Đầu năm học, dư luận xôn xao việc học sinh lớp 1 phải mua bộ sách giáo khoa hơn 800.000 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ sách như vậy đồng nghĩa với chương trình giáo dục vẫn nặng về nhồi nhét kiến thức, gây áp lực học hành thi cử.
Tham khảo danh mục sách mà một số trường đề nghị phụ huynh mua, tôi thấy không hoàn toàn là sách giáo khoa. Tuy nhiên, với cách đưa ra thông báo không rõ ràng, đa số phụ huynh sẽ hiểu tất cả 23 đầu mục đều là sách và phải mua cho con mình, từ đó gây bức xúc trong dư luận.
Có ba nguyên nhân chính khiến học sinh lớp 1 phải mua nhiều loại sách:
Thứ nhất, giáo viên còn quá lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Những ai đã học đại học, cao đẳng đều biết mỗi môn học có hàng chục loại giáo trình của các tác giả trong và ngoài nước. Giảng viên giới thiệu các giáo trình và tài liệu tham khảo. Việc mua hay không là sự lựa chọn của mỗi sinh viên. Mỗi giảng viên, căn cứ vào mục tiêu môn học, sẽ xây dựng đề cương và tài liệu bài giảng. Họ được tự do lựa chọn cách tiếp cận vấn đề nên không lệ thuộc vào giáo trình, tài liệu cụ thể nào.
Đối với đa số giáo viên phổ thông, nhất là bậc tiểu học, hầu hết thầy cô chưa được trang bị kiến thức, kĩ năng xây dựng và phát triển chương trình. Vì vậy, nhiều giáo viên coi sách giáo khoa với chương trình dạy học. Vì thế, học sinh cũng sẽ lệ thuộc theo. Đây là một trong những nguyên nhân các trường đưa ra quy định cho học sinh phải mua loại sách nào.
Thứ hai, phụ huynh chưa được thông tin đầy đủ về chương trình và sách giáo khoa.
Vì thế, khi các trường giới thiệu danh mục sách, vở, tài liệu, đa số phụ huynh sẽ hiểu rằng đó là bắt buộc.
Mặt khác, do tâm lý có con vào lớp 1, cha mẹ nào cũng cố gắng mua đủ sách, vở, dụng cụ học tập. Ít người bỏ thời gian tìm hiểu các loại sách, vở tài liệu ấy có chất lượng, hiệu quả và phù hợp với con mình không. Họ luôn tin tưởng sách đã được nhà trường giới thiệu là cần thiết và mang tính bắt buộc phải mua cho con em mình.
Thứ ba, vì lợi nhuận nên các nhà xuất bản mập mờ giữa sách, vở và tài liệu.
Mỗi năm, cả nước có hàng triệu học sinh lớp 1, số tiền ước tính phụ huynh phải bỏ ra để mua sách vở khoảng vài trăm tỷ đồng. Đây là thị trường lớn đối với việc in ấn và kinh doanh sách. Vì lợi nhuận, nhiều nơi gia công các loại vở, tài liệu bán kèm theo với sách giáo khoa.
Các tài liệu này hoàn toàn không phải là sách, chi phí biên soạn khá thấp, nhưng lại được bán kèm với sách. Vì vậy, mặt hàng này siêu lợi nhuận. Nhiều nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận nên mập mờ thông tin đối với phụ huynh.
Để học sinh không phải mua quá nhiều sách, các trường sư phạm khi đào tạo giáo viên, ngoài kiến thức chuyên ngành, phương pháp giáo dục cần phải chú trọng trang bị cả kĩ năng xây dựng và phát triển chương trình.
Trước mắt cần tổ chức tập huấn thật kĩ cho giáo viên tiểu học về mục tiêu chương trình từng lớp học, từ đó trao quyền tự chủ trong dạy học cho giáo viên. Nhà trường chỉ cần quản lý mục tiêu và khung chương trình để giáo viên bớt lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Mặt khác, với sách giáo khoa phổ thông, cần phải xếp loại danh mục hàng hóa đặc biệt, kinh doanh có điều kiện. Các cấp có thẩm quyền phải công khai danh mục sách giáo khoa bắt buộc, các loại vở, tài liệu không bắt buộc đến phụ huynh. Đồng thời phải có chế tài thật nặng đối với những cá nhân tổ chức đưa ra thông tin mập mờ về sách, vở, tài liệu nhằm trục lợi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Bến Xuân