Chia sẻ góc nhìn về việc cho học sinh dùng điện thoại di động trong giờ học, độc giả Ngoc Phu Lam bày tỏ sự ủng hộ với quy định mới: "Nếu cấm học sinh dùng điện thoại thì cũng nên cấm tất cả giáo viên vì có ai đảm bảo rằng họ không sử dụng vào việc riêng trong giờ hành chính? Chính bản thân chúng ta đã làm gương cho trẻ chưa? Ngồi họp, trong giờ làm, chúng ta có sử dụng điện thoại không? Trong khi đó, luật quy định về giới hạn tuổi được sử dụng điện thoại lại chưa có.
Nên nhớ rằng quy định này là học sinh chỉ được sử dụng điện thoại phục vụ học tập khi được phép của giáo viên. Còn bình thường trong giờ học, các em không được sử dụng. Không nên lúc nào cũng nghĩ xấu về con cái chúng ta. Tôi có ba đứa con, từ ngày trang bị cho mỗi đứa một chiếc điện thoại thì đứa nào cũng học tốt hơn, hiểu quả hơn, an toàn hơn. Quan trọng là cách ba mẹ dạy con hiểu và phát huy được mặt tích cực của chiếc điện thoại, mặt nào không tốt thì phải tránh. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cũng đã nghiên cứu kỹ rồi mới đưa ra giải pháp này".
Không đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Thanh Y chỉ ra những bất cập khi cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: "Hiện nay, thời gian trên lớp để học hết kiến thức sách giáo khoa cũng đã rất nặng nề rồi. 45 phút ấy, cô giáo phải truyền tải kiến thức cho học sinh và các em cũng cần lắng nghe, tiếp nhận. Với ý thức của học sinh bây giờ, việc cho phép sử dụng điện thoại tìm kiếm tài liệu trên lớp là chưa cần thiết và cũng không cần thiết.
Ngoài giờ học, các em có thể truy cập, tìm hiểu thêm trên mạng. Một lớp 40 học sinh, bình thường để quản lý hết mọi việc đã khó. Đôi khi, có em còn giấu giếm, nghịch dưới ngăn bàn. Giờ cho sử dụng, học sinh để hẳn lên bàn mà chơi game, vào mạng xã hội, chat với nhau... Vậy cô giáo làm sao có thể quản được hết việc học sinh làm? Không lẽ tiết học 45 phút mà cứ chốc chốc lại xuống quản học sinh xem chúng làm gì? Vậy làm gì có thời gian để dạy học. Ngay cả việc học sinh mải tìm tài liệu, cũng khiến các em quên mất cô đang nói gì trên bảng...".
Cùng chung nhận định, độc giả Nguyễn Quân bày tỏ hoài nghi về cách quản lý học sinh dùng điện thoại trong lớp: "Thực tế mà nói, không có cách nào có thể quản lý học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích cả. Một lớp 40-50 em, thử hỏi được bao nhiêu học sinh cầm điện thoại tra cứu, bao nhiêu dùng để lên mạng chơi? Sau khi dùng xong, giáo viên có khả năng kiểm tra lại hết toàn bộ học sinh xem ai là người chịu tra tài liệu không?
Kiến thức giảng dạy một môn trung bình 45 phút (gồm cả thời gian kiểm tra miệng hoặc 15 phút đầu giờ, thời gian ghi chép bài vở), vậy học sinh còn được bao nhiêu phút để học mà còn phải bỏ thời gian tra cứu thêm kiến thức ngoài? Công việc này lễ ra giáo viên phải yêu cầu làm ở nhà thông qua việc cho sẵn câu hỏi hoặc đề tài trước khi đến lớp. Ý kiến của tôi là: với bậc THPT, nên giảm việc ghi chép bài vở lại, thay bằng tài liệu photo sẵn. Những kiến thức nào quan trọng cần ghi chép thì mới ghi chép. Giống với đại học. Nói thật 45 phút, giáo viên đọc, học sinh viết thì còn giảng được cái gì nữa, nói gì đến hiểu bài".
>> Học sinh dùng điện thoại trong lớp - tận dụng hay lợi dụng?
Nhấn mạnh việc cần thay đổi phương pháp dạy và học theo kiểu thầy đọc trò chép như hiện tại trước khi nghĩ đến chuyện cho học sinh dùng điện thoại, bạn đọc Peony Nguyen cho rằng: "Rất nhiều người lớn còn không thể kiểm soát được việc dùng smartphone, nói gì đến học sinh. Nội dung chương trình học, cách học cũng không tương thích với việc phải truy cập internet, không có các ứng dụng chuyên biệt bảo mật để đảm bảo chỉ tập trung phục vụ học tập.
Bao giờ bài tập ở mức độ phải vận dụng trí óc triệt để, tư duy độc lập thì lúc đó internet mới cần thiết. Học còn nặng về ghi chép một chiều, cô nói gì trò chép đấy, tính phản biện chưa có thì điện thoại là yếu tố gây xao lãng.
Đã có những người mất cả sự nghiệp vì truy cập web đen trong giờ làm việc, nhẹ hơn cũng bị đánh giá ý thức, thi đua. Nếu trẻ con cũng như vậy thì sẽ trượt dài, rồi lại đổ tại thầy cô không kiểm soát. Kiến thức phổ thông có gì mà phải tra cứu, chưa kể nguồn có chính thống, có đảm bảo tính chính xác, khoa học của thông tin hay không? Bao giờ đến trình độ để làm một bài luận phải nghiền ngẫm cả chồng sách, tham khảo hàng chục nguồn dữ liệu, cho dùng internet thoải mái... mà vẫn không thể copy - paste được thì lúc ấy internet mới hữu dụng".
Lấy ví dụ từ chính một nền giáo dục phát triển như tại Mỹ, độc giả Bo chia sẻ: "Tôi nghĩ không nên để học sinh dùng điện thoại trong giờ học cho dù là THCS hay THPT vì ngoài những vấn đề dễ thấy, nguồn kiến thức lấy từ đâu cũng là một phần rất quan trọng trong giáo dục. Sách giáo khoa được xuất bản sau những nghiên cứu, xét duyệt trước khi đến tay học sinh. Có nghĩa là kiến thức các em tiếp nhận từ sách giáo khoa có tính chính xác và khoa học.
Tôi là người Việt Nam, hiện tại sống ở Mỹ. Nếu tôi muốn hoàn thành một bài viết hay quyển sách nhỏ về cuộc sống người miền Tây hiện nay, tôi cần phải về miền Tây sống vài tháng, như vậy mới có thể nhìn nhận thực tế hơn. Những nguồn thông tin về cuộc sống miền Tây trên những trang web tôi có thể dễ tiếp nhận nhưng chắc chắn chưa thể đầy đủ.
Tôi làm trong đại học Y, hệ thống camera và IT có thể nhận biết tôi nhìn sinh viên nữ quá ba giây hay không, vì đó là quy định của trường. Nếu vi phạm, tôi sẽ mất việc. Dù hệ thống camera và IT của trường tại Mỹ chính xác đến từng giây, nhưng học sinh, sinh viên vẫn không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Thiết nghĩ, việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học, thầy cô khó có thể quản lý được nguồn thông tin các em tìm kiếm".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.