"Thử thách 24 giờ làm chó", "đốt nhà ông ngoại", "tắm mắm tôm"... chính là những dòng tiêu đề xuất hiện trên Youtube của các "Youtuber rởm".
Chỉ với một thiết bị ghi hình hay chiếc điện thoại thông minh chúng ta có thể dễ dàng trở thành một Youtuber, cũng vì thế mà số lượng "Youtuber dởm" xuất hiện ngày một tràn lan trên mạng xã hội với những nội dung nhảm nhí, vô bổ.
Đối với tôi, "Youtuber rởm" chính là những người có "đầu rỗng" với mong muốn nổi tiếng mà bất chấp các chiêu trò câu like. Họ chỉ muốn nhanh chóng khẳng định bản thân mà cho ra những ý tưởng điên rồ video bị biến chất nặng nề so với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Trên Youtube từng xuất hiện video "Thử thách 24 giờ làm chó" vô cùng vô bổ nhưng lại thu hút được đông đảo lượng người xem và bình luận. Một số người chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền mà bất chấp, tự khoác lên mình "chiếc áo" khác biệt với xã hội. Họ cho rằng như thế là thể hiện bản thân mình một cách dễ dàng, chỉ cần video được nhiều người chú ý còn hậu quả thì mặc kệ.
>> Hai triệu người dễ dãi theo dõi Khá 'Bảnh'
Có lẽ rất nhiều bạn ở đây không còn lạ lẫm với những cái tên như "Khá Bảnh" "Huấn Hoa Hồng", cả hai đều là giang hồ mạng nổi tiếng bằng các video với nội dung nói chuyện dung tục, hành động khó hiểu. Nhưng có một sự thật đáng buồn kênh Youtube của cả hai đều thu hút rất nhiều fan, đó là những em học sinh cấp 2, cấp 3. Các em chỉ là một tờ giấy trắng đã bị những video lệch chuẩn xã hội,vấy bẩn tâm hồn.
Chúng ta không thể phủ nhận được giá trị mà những Youtuber chân chính đem lại cho người xem. Đối với bản thân, mình xem khá nhiều video của các Youtuber tại Việt Nam, mình thấy được sự sáng tạo của họ qua cách truyền tải thông điệp đến các bạn trẻ.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngày nay các bậc phụ huynh cho con em mình tiếp cận với chiếc điện thoại thông minh từ rất sớm. Các em chỉ mới là những đứa trẻ, chưa thể phân định được đúng sai vì thế lượng lớn fan của những "Youtuber rởm" là các em học sinh nhỏ tuổi. Chúng ta tưởng tượng sẽ như thế nào khi các em xem quá nhiều video "độc hại" sau đó học theo "thần tượng lệch chuẩn xã hội". Nếu không phải là bắt chước làm theo video độc hại thì trong suy nghĩ của các em sẽ có sự thay đổi rất nhiều, các em sẽ cư xử thô lỗ, ngôn từ không thể kiểm soát.
>> Tôi 'đốt' 100 triệu đồng để làm Youtuber
Một số người nghĩ rằng ở một nền tảng sáng tạo video rồi kiếm tiền như Youtube thì họ bất chấp xây dựng hình tượng khác biệt với xã hội nhất có thể cũng không sao. Chỉ là cần kiếm ra tiền là được, nội dung hay hình tượng của bản thân thì không quan tâm lắm. Làm lố cũng được, miễn có tiền là vui rồi. Nhưng sẽ như thế nào nếu video "độc hại" của bạn khiến cho một số người, đặc biệt là các em nhỏ chưa nhận thức được đúng sai bắt chước học theo? Hậu quả để lại rất lớn, chúng ta đã là người lớn cho nên hãy sống như người trưởng thành.
Kiếm tiền bằng nghề Youtuber không có gì sai trái, nhưng hãy kiếm tiền một cách văn minh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Dương Hạnh