Bài viết Thủ khoa và tương lai nói về công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT chưa được chú trọng, khiến nhiều học sinh chỉ có mục tiêu thi đỗ ĐH chứ chưa định hình được tương lai mình sẽ làm gì.
Độc giả Nguyen Hong Hai chia sẻ: Rất đồng cảm với tác giả, có một thứ thỉnh thoảng tôi hay nói chuyện với người thân gọi là cú sốc đại học. Tôi đã trải nghiệm qua cảm giác đó khi chuyển cấp từ bậc học phổ thông lên ĐH Bách khoa và suýt chút nữa thì gần như hỏng mất tương lai.
May mắn là sau ba học kỳ đầu tiên mất phương hướng ở bậc đại học thì tôi vẫn còn kịp thời gian để làm lại bởi dù sao mình cũng đã chọn đúng ngành học mình yêu thích để theo đuổi nên có động lực học tập. Bạn bè tôi có rất nhiều trường hợp do chọn sai ngành học nên kết hợp với việc thiếu kỹ năng tự học đã xảy chân tuột dốc rất nhiều.
Tác giả đề cập rất đúng về vấn đề tư vấn hướng nghiệp. Khoảng một tháng trước tôi có dịp ngồi nói chuyện với thầy hiệu trưởng một trường THPT có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp với phổ điểm thuộc loại tốt (có sức cạnh tranh cao để xét tuyển vào các đại học tốt).
Qua câu chuyện tôi hiểu rằng thực ra các thầy không hiểu nhiều về các ngành nghề, phương pháp học tập ở các đại học hiện nay. Khi nhiều thầy giáo không hiểu và không chịu tìm hiểu thì việc giúp đỡ học trò của mình tìm hiểu và chọn ngành nghề cho đúng với sở trường của các em là điều bất khả thi. Nếu coi việc này là của các gia đình thì rõ ràng sẽ không thể kỳ vọng có nguồn nhân lực dồi dào, ổn định chất lượng được.
Độc giả hoanghuyentrang135 chia sẻ bản thân "nhắm mắt" chọn ngành học và câu chuyện tái diễn với em gái:
Mười năm trước lúc đăng ký thi đại học tôi cũng trong trạng thái không biết nên học cái gì? Lúc ấy nghe mọi người bảo kế toán hoặc y đang hot, học ra dễ xin việc nên cũng đăng ký.
Đi học được năm đầu thực sự cảm thấy chán nản, nhưng vì nghĩ cha mẹ đã bỏ bao nhiêu tiền bạc, tâm huyết để mình được đi học nên đành cố gắng học xong. Năm nay em tôi cũng thi đại học? Lúc đăng ký trường nó gọi hỏi: "Chị ơi, em nên học trường gì?". Hỏi nó thích làm gì thì nó bảo không biết?
Cuối cùng sau một thời gian được mọi người tư vấn nó cũng chọn trường đại học gần nhà với cái ngành mà chả liên quan đến cái khối nó học xíu nào. Vậy mà tới giờ tôi vẫn đang lo không biết nó đi học rồi sẽ thế nào? Chứ bây giờ nó vẫn còn hào hứng lắm.
Độc giả An Tư cho rằng nhiều người cố học trong nhàm chán để nhận được tấm bằng rồi loay hoay trong công việc:
Nhiều người học tập và có nền tảng kiến thức có thể nói là vững vàng, nhưng có lẽ, bước vào môi trường đại học với cách thức rèn luyện không phù hợp và không phát huy được hết khả năng, nên đã bỏ ngang vì quá chán nản.
Nhưng không phải ai cũng tìm được lối ra tươi sáng hơn khi quyết định thay đổi trường ĐH. Họ đã phải rất loay hoay cho đến bây giờ, thầm nghĩ giá ngày ấy tiếp tục học thì giờ có phải đã được như bao bạn bè khác - những người chấp nhận học trong một môi trường nhàm chán để lấy tấm bằng, để có được tấm "hộ chiếu quy trình" khi bước vào con đường tiến thân.
Có lẽ nó là phản ánh của quan điểm học để tồn tại, để thích nghi với môi trường chung và đi trên con đường chung mà rất nhiều người lựa chọn.
Độc giả Nguyen Tra My:
Công tác hướng nghiệp ở Việt Nam thực sự chưa được chú trọng. Các bạn nhỏ không biết mình thích gì, muốn làm gì, khả năng tới đâu, bản thân có thích hợp với mong muốn hay không nên lúc chọn trường thường nghe theo lời bố mẹ.
Mà bố mẹ thì kha khá người đu theo xu thế chọn nghề cho sang, dễ xin việc và kiếm được nhiều tiền như kỹ sư, bác sĩ, ngân hàng. Hậu quả là nhiều khi con thi đậu rồi nhưng vô học mới phát hiện bản thân không đam mê hoặc không thích hợp với nghành đã chọn. Lúc đó bỏ thì không được mà theo tiếp thì không xong, nhiều người lỡ dở cuộc đời.
Con cái lúc 18 tuổi cũng chưa thực sự trưởng thành để có lựa chọn đúng. Cha mẹ nên hiểu con để định hướng con lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Định hướng đúng là phải cân bằng giữa đam mê, khả năng và sự phù hợp của bản thân với nghề nữa.
Có nhiều người đam mê thực sự nhưng không có khả năng cũng chịu, bạn tôi thích kiến trúc đến nỗi thi đại học ba năm liền không đậu vẫn không nản, nhưng sau này vẫn phải khuất phục, chọn nghề khác vì khả năng chưa tới.
Hoặc bạn thích làm bác sĩ nhưng không hiểu hết được cái khó của nghề, có thể đậu trường y cũng là dạng có khả năng rồi, nhưng học rồi mới biết bản thân không phù hợp vì tố chất tâm lý yếu, sức khoẻ yếu không theo nổi những yêu cầu khắc nghiệt của ngành y. Để đạt được sự cân bằng này thực sự khó đó nên cần tìm hiểu kỹ, đừng chọn hời hợt làm lở dở tương lai.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp