Tinh trùng là yếu tố quan trọng của quá trình thụ thai. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Từ Thành Trí Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tinh trùng yếu là tình trạng chất lượng của tinh trùng bị suy giảm. Tỷ lệ tinh trùng di động dưới 75%, tỷ lệ chết và không di động cao hơn 25%. Tinh trùng di động thấy được dưới 50%, di động nhanh dưới 25%. Mỗi lần xuất tinh, lượng tinh dịch thường ít hơn 2ml, số lượng tinh trùng ít hơn 40 triệu con. Trường hợp này gọi là tình trùng ít.
Tình trạng chất lượng tinh trùng suy giảm do nhiều nguyên nhân gây ra, thường liên quan trực tiếp tới chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của nam giới.
Dấu hiệu
Những dấu hiệu dưới đây có thể gợi ý cho nam giới nhận biết tình trạng tinh trùng yếu, cụ thể:
- Tinh dịch loãng và số lượng ít: Tinh dịch không có độ dính, nhớt đặc trưng mà loãng như nước vo gạo. Đây là dấu hiệu gợi ý tình trạng suy giảm bất thường về số lượng, chất lượng tinh trùng, gây tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của nam giới.
- Tinh dịch vón cục: Biểu hiện là tinh dịch xuất hiện các hạt trắng nhỏ như hạt cơm, khi bóp cho cảm giác mịn như bột. Ở trạng thái này, tinh dịch làm tinh trùng dễ bị chết, khó di chuyển để thụ tinh cho trứng.
- Tinh dịch đông đặc: Ở nhiệt độ 37°C, tinh dịch từ trạng thái quánh sệt hóa lỏng sau khoảng thời gian chưa đến 60 phút. Tình trạng hóa lỏng không diễn ra hay chỉ hóa lỏng một phần là dấu hiệu tinh dịch bị đông đặc. Điều này khiến tinh trùng khó di chuyển tới gặp trứng, gây ảnh hưởng tới kết quả thụ thai.
- Màu sắc tinh dịch bất thường: Nếu tinh dịch có màu vàng hoặc xanh, nam giới có khả năng mắc những bệnh viêm nhiễm như viêm mào tinh, viêm niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến... Nếu tinh dịch có màu nâu (thường do lẫn máu) đi kèm những triệu chứng như đau bụng, đau tức dương vật..., đây có thể là triệu chứng ban đầu của những bệnh liên quan tới đường tiết niệu hay cơ quan sinh dục.
Nguyên nhân
Bác sĩ Từ Thành Trí Dũng cho biết, quá trình sản xuất tinh trùng tương đối phức tạp, cần sự hoạt động ổn định của tất cả bộ phận liên quan như tinh hoàn, vùng dưới đồi và tuyến yên. Bất cứ vấn đề nào xảy ra trong quá trình này đều có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và sức khỏe của tinh trùng. Những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng là:
Nguyên nhân bệnh lý
Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây vô sinh nam. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được biết rõ. Giãn tĩnh mạch tinh làm suy giảm chất lượng tinh trùng.
Nhiễm trùng: Một số tình trạng nhiễm trùng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng hay tạo ra sẹo cản trở trên đường vận chuyển tinh trùng (cản trở cơ học). Các trường hợp viêm nhiễm như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, HIV...)
Bệnh tự miễn: Nguyên nhân này hiếm khi xảy ra. Đây là tình trạng kháng thể tấn công và tiêu diệt tinh trùng của cơ thể.
Khối u: Khối u có khả năng gây mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của nam giới. Ngoài ra, quá trình điều trị khối u cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của đàn ông.
Mất cân bằng nội tiết tố: Nội tiết tố là thành phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất tinh trùng. Vì thế, sự mất cân bằng nội tiết tố có thể gây tổn hại đến quá trình sản xuất tinh trùng.
Sử dụng một số thuốc điều trị: Một số loại thuốc điều trị có khả năng gây hại đến quá trình sản xuất tinh trùng, khiến khả năng sinh sản của nam giới bị suy giảm.
Một số nguyên nhân khác: Dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền... có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Nguyên nhân môi trường
Hóa chất công nghiệp: Tình trạng phơi nhiễm kéo dài với benzene, xylene, toluene, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn... có thể gây tác động tiêu cực lên tinh trùng.
Kim loại nặng: Phơi nhiễm với chì và những kim loại nặng khác là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nam.
Tia xạ: Phơi nhiễm với tia xạ có khả năng làm giảm hay mất hoàn toàn khả năng sinh tinh. Để phục hồi, nam giới có thể mất đến vài năm.
Lối sống và các nguyên nhân khác
Lạm dụng rượu bia: Rượu và những thức uống chứa cồn đều có khả năng làm giảm nồng độ testosterone, ảnh hưởng đến tinh trùng.
Hút thuốc lá: Hút thuốc gây hại rất nhiều khía cạnh sức khỏe, bao gồm sức khỏe sinh sản.
Căng thẳng, trầm cảm: Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể gây tác động xấu đến chất lượng tinh trùng.
Cân nặng: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể vừa tác động trực tiếp lên tinh trùng vừa làm mất sự cân bằng nội tiết tố, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.
Chẩn đoán và điều trị
Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra cơ quan sinh dục ngoài và yêu cầu người bệnh trả lời các câu hỏi về bệnh lý mắc phải trước đây và thói quen sinh hoạt tình dục. Ngoài ra, để đảm bảo kết quả chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ.
Hiện nay đã có nhiều cách điều trị tinh trùng yếu, điều quan trọng là bác sĩ cần xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng này ở người bệnh. Nếu nguyên nhân xuất phát từ lối sống thiếu lành mạnh, nam giới cần nhanh chóng thay đổi lối sống của mình, hạn chế tối đa những yếu tố gây hại tới số lượng và chất lượng tinh trùng.
Nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý toàn thân hoặc bệnh lý liên quan tới sức khỏe sinh sản, người bệnh có thể được đề xuất áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp như:
Thuốc kháng sinh: Được dùng để điều trị những bệnh viêm nhiễm.
Liệu pháp hormone và thuốc nội tiết: Khi nam giới mất cân bằng nội tiết tố.
Phẫu thuật: Được áp dụng khi nguyên nhân là do giãn tĩnh mạch thừng tinh hay tắc ống dẫn tinh.
Bác sĩ Từ Thành Trí Dũng cho biết, không có biện pháp nào hỗ trợ phòng ngừa hiện tượng tinh trùng yếu. Tuy nhiên, một số lưu ý dưới đây có thể giảm thiểu phần nào tình trạng này:
Duy trì cân nặng hợp lý: Đàn ông thừa cân, béo phì thường mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa dẫn đến lượng hormone nam giới (testosterone) giảm, trong khi lại làm tăng lượng hormone nữ (estrogen). Sự mất cân bằng này khiến nam giới giảm ham muốn, rối loạn cương dương, khả năng sinh tinh trùng giảm.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Nam giới nên bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây giàu chất chống oxy hóa... để cải thiện sức khỏe tinh trùng.
Phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục: Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như chlamydia, lậu... có khả năng gây vô sinh nam. Để phòng tránh, nam giới nên giới hạn số lượng bạn tình, dùng bao cao su mỗi lần giao hợp.
Tránh tình trạng căng thẳng kéo dài: Tinh thần căng thẳng có thể khiến khả năng hoạt động tình dục bị suy giảm, ảnh hưởng đến các nội tiết tố cần cho quá trình sản xuất tinh trùng.
Thường xuyên vận động: Các hoạt động thể chất với cường độ phù hợp sẽ giúp tăng hoạt động của các enzyme chống oxy hóa, hỗ trợ bảo vệ tinh trùng.
Không hút thuốc: Hút thuốc lá gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe toàn diện, gồm cả khả năng sinh sản của nam giới.
Hạn chế thức uống chứa cồn: Rượu và những thức uống chứa cồn sẽ làm giảm nồng độ testosterone, ảnh hưởng lên tinh trùng. Nếu sử dụng rượu hoặc thức uống chứa cồn, nam giới cần tự giới hạn số lượng uống vừa phải.
Cẩn trọng với độc tố: Việc phơi nhiễm với thuốc trừ sâu, chì và những chất độc hại khác có khả năng ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng tinh trùng. Khi bắt buộc làm việc trong môi trường nhiều chất độc hại, nam giới cần cẩn trọng như mặc quần áo và trang bị bảo hộ, tránh để da tiếp xúc với hóa chất.
Mặc quần áo thoáng mát: Nhiệt độ bìu tăng có thể gây hại đến quá trình sản xuất tinh trùng. Dù lợi ích chưa được chứng minh đầy đủ nhưng mặc quần áo rộng rãi và thoải mái, giảm thời gian ngồi, hạn chế xông hơi hay tắm nước nóng, tránh để bìu tiếp xúc những vật ấm nóng (điện thoại, laptop...) có thể giúp tăng chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Quỳnh Châu