Bà Sinh đã khám ở nhiều nơi, bác sĩ chỉ định can thiệp song bà từ chối do bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nặng, sợ sau mổ không đi lại được. Bà chỉ uống và thoa thuốc, mang vớ tĩnh mạch. Theo thời gian, bà mỏi, đau nhức chân, nóng rát, các búi tĩnh mạch nặng hơn.
Ngày 22/11, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân mức độ C2 (tĩnh mạch nông hai chân có trào ngược khi làm các nghiệm pháp trên siêu âm). Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến nhanh đến cấp độ C5, C6. Lúc này những mạch máu giãn nở, vỡ ra gây loét.
Bà Sinh được chỉ định đốt laser tĩnh mạch nông hai chân, lấy tĩnh mạch giãn tại chỗ nhằm giảm triệu chứng và tránh biến chứng huyết khối, sưng phù chân, chảy máu, loét da.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm, bác sĩ luồn dây laser trong lòng tĩnh mạch hiển và đốt tĩnh mạch bị suy. Tiếp đến, đầu dây dẫn phát ra năng lượng làm xơ lớp bên trong của tĩnh mạch khiến lòng mạch co lại, dẫn đến teo toàn bộ tĩnh mạch suy giãn. Cuối cùng, bác sĩ bóc tách các búi tĩnh mạch giãn tại chỗ bằng đường rạch nhỏ khoảng 2-3 mm.
Thủ thuật kết thúc trong vòng một giờ. Một ngày sau, các búi tĩnh mạch giãn biến mất, bà Sinh đi lại bình thường, chân không còn tê, được xuất viện.
Tĩnh mạch chi dưới chứa các van một chiều để ngăn máu chảy ngược trở lại chân. Do nhiều nguyên nhân như đứng, ngồi một chỗ quá lâu, hoạt động trong không gian hẹp trên 8 giờ mỗi ngày, thường xuyên mang giày cao gót, phụ nữ mang thai, người béo phì, người lớn tuổi... những van này có thể suy hoặc giãn, đóng không kín. Hệ quả là lưu thông máu về tim bị hạn chế và chảy ngược về các tĩnh mạch hai chi dưới. Tình trạng tích tụ máu này khiến tĩnh mạch chịu áp lực gia tăng, dần sưng và to ra.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có các triệu chứng điển hình như nặng mỏi chân, đau chân, tê chân, vọp bẻ, cảm giác ngứa ran ở bàn chân và cẳng chân... Bệnh thường giảm nhẹ vào buổi sáng và tăng vào buổi chiều sau một ngày lao động.
Người có nguy cơ cao nên phòng ngừa bệnh bằng cách hạn chế đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, gác chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng vừa phải.
Có nhiều phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới tùy vào từng giai đoạn như thay đổi lối sống, tập thể dục, uống thuốc, mang vớ tĩnh mạch, chích xơ tĩnh mạch, đốt laser nội tĩnh mạch, bơm keo sinh học...
Bác sĩ Hằng cho biết trước đây bệnh nhân phải mổ mở và bóc toàn bộ tĩnh mạch giãn. Hiện, phương pháp đốt laser nội tĩnh mạch ít xâm lấn giúp giữ nguyên tĩnh mạch ở đúng vị trí và chỉ làm chúng teo lại, xơ hóa, cải thiện hiệu quả tình trạng ứ máu ở chân. Kỹ thuật này không cần gây mê sâu giống như phẫu thuật truyền thống. Bệnh nhân không đau vì chỉ có một vết rạch nhỏ ở vị trí luồn dây laser.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |