Thứ tư, 1/1/2025
Thứ hai, 12/2/2018, 15:00 (GMT+7)

Những làng bánh chưng ngon nức tiếng miền Bắc

Mỗi làng nghề lại có bí quyết riêng làm bánh chưng riêng khi xử lý lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, ba chỉ...

Bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên)

Làng Bờ Đậu nằm ngay dọc quốc lộ 3, thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Bánh chưng nơi đây nổi tiếng bởi hương thơm của gạo nếp, nhân đậu xanh quyện đều với thịt.

Người dân địa phương cho biết, nghề gói bánh chưng đã có gần 40 năm nay. Trước kia đời sống khó khăn, Bờ Đậu chỉ gói nhỏ lẻ bán cho người qua đường. Thời nay, dân làng gói bánh chưng giao đi khắp tỉnh thành. Thời gian gói bánh kéo dài từ tháng 7 qua Tết nguyên đán. Dịp Tết, mỗi hộ có thể bán hơn 1.000 chiếc mỗi ngày.

polyad

Bánh chưng gói bằng tay nhưng vuông vắn, sắc cạnh. 

Bí quyết làm nên hương vị riêng của bánh chưng Bờ Đậu nằm ở nguyên liệu sạch và lựa chọn kỹ càng. Gạo nếp thường được mua từ ở Chợ Đồn, Định Hóa, Na Rì (Bắc Kạn) hay Bắc Hà (Lào Cai). Nhân bánh gồm đậu xanh nấu chín nhuyễn, bọc miếng ba chỉ lợn thái bản to, Lá dong bánh tẻ, không quá non hay già, được đặt hái từ núi Na Rì (Bắc Kạn), rửa kỹ 3 lần nước mới đem gói.

Gạo chọn hạt mẩy tròn, trắng tinh. Đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, thơm tự nhiên, đem đồ chín, sau đó vắt thành từng nắm nhân mịn và dẻo. Thịt ba chỉ phải ngon, săn chắc, lấy từ con lơn sạch, ướp với hạt tiêu đất Bắc. 

Thời gian luộc bánh khoảng 8-10 giờ. Nước luộc được lấy từ suối trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu để tạo ra hương vị độc đáo của bánh chưng.

Bánh chưng làng Dòng (Phú Thọ)

Làng Dòng thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền bánh chưng làng Dòng có từ thời Hùng Vương thứ 6. Cùng với bánh dày, hàng năm người dân đất tổ lại dâng bánh chưng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết xuân về.

Ngày nay, ngôi làng đã hình thành nhiều cơ sở làm bánh với quy mô lớn hơn nhằm xây dựng thương hiệu và giữ gìn nghề, Quy mô sản xuất mỗi ngày hàng nghìn chiếc, cung cấp theo đơn đặt hàng của thương lái khắp nơi và có mặt trong các hệ thống siêu thị tại Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Những làng bánh chưng ngon nức tiếng miền Bắc
 
 

Bánh chưng làng Tranh Khúc (Hà Nội)

Làng Tranh Khúc nằm ở xã Duyên hà, huyện Thanh Trì. Hơn 100 hộ gia đình vẫn theo nghề gói bánh chưng quanh năm với hơn 300.000 chiếc bánh cung cấp ra thị trường mỗi năm.

Giáp Tết, một người dân làng Tranh Khúc có thể gói đến 1.000 chiếc bánh mỗi ngày. Theo người gói, bí quyết để chiếc bánh gói nhanh, vẫn đẹp, 8 cạnh vuông vức là đổ gạo phải cân, bẻ lá khéo, buộc chặt tay. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều hộ nay sắm nồi điện hoặc nồi hơi nhưng thời gian nấu bánh vẫn phải đủ ít nhất 10 tiếng. 

Nguyên liệu chủ yếu là nếp nhung đặt từ Nam Định, Điện Biên, Hải Hậu. Đậu xanh lòng vàng ngâm nở, đồ chín, rồi đánh nhuyễn. Thịt sấn, vai, rọi rửa sạch, để khô, trộn thêm muối trắng, hạt tiêu. Tất cả nhân gói trong lá dong xanh đậm, gân cứng, không rách nát. Người làm chọn chiếc lá sạch, không vàng, sắp xếp gọn gàng.

Bánh chưng Tranh Khúc không chỉ nổi tiếng ở Hà Nội, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện, làng nghề đang xây dựng đề án phát triển làng nghề kết hợp với du lịch nhằm gìn giữ nét đẹp truyền thống này cho thế hệ sau.

polyad

Bánh chưng làng Tranh Khúc. Ảnh: NN-MC

Bánh chưng Lỗ Khê – Hà Nội

Lỗ Khê thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Các hộ làm nghề nơi đây khá kỹ tính trong việc chọn nguyên liệu làm nhân bánh chưng. Cụ thể, đỗ hạt tiêu loại nhỏ, hạt tròn mẩy, được đãi kỹ, loại bỏ hết vỏ và hạt vỡ, hỏng, để ráo rồi hấp chín. Thịt lợn chỉ chọn nạc vai, tỷ lệ mỡ vừa từ con lợn sạch mới mổ, khi thái còn độ đàn hồi, dẻo thịt mà không hôi, ướp cùng hạt tiêu xay nhỏ.

polyad

Người thợ gói bánh chưng bằng tay mà không cần khuôn.

Bánh chưng làng Đầm (Hà Nam)

Làng Đầm cách thành phố Phủ Lý khoảng 5km, thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Dân làng quanh năm gói bánh, nhưng nhộn nhịp đông khách nhất vẫn là giáp Tết.

Nằm gần vựa lúa Nam Định với nhiều giống nếp quý, người làng Đầm chọn nếp Hải Hậu hoặc phối với nếp cái hoa vàng. Đậu xanh cũng từ vùng Nam Định hoặc Hà Nam, dùng đỗ ta hạt mẩy, thịt lợn sạch cân đối nạc mỡ.

Thợ nghề thường dùng nồi tôn và nước mưa để luộc bánh. Nhờ vậy, bánh để 8-10 ngày vẫn không ôi thiu.

Thủy Hà

Chia sẻ bài viết qua email