4 nét riêng của chè rừng Đoỏng Pán, Cao Bằng
Chè Đoỏng Pán ngon phải đạt tiêu chuẩn về màu sắc, hình dáng, hương vị và mang lại cảm giác khoan khoái cho người dùng.
Vùng Đoỏng Pán, xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng có khí hậu mát và nền đất phù sa cổ tích tụ lâu năm nên phù hợp cho cây chè sinh trưởng. Người già trong vùng kể lại, trước đây, cây chè chỉ có trên rừng, từ năm 1960, người dân các thôn Đoỏng Pán 1, Đoỏng Pán 2, Đoỏng Pán 3 mới đem về trồng ở vườn đồi quanh nhà.
Chè Đoỏng Pán là đặc sản của tỉnh Cao Bằng. Búp chè khô có màu xanh hơi đen, bề mặt chè nhiều phấn trắng tự nhiên, lá xoăn chặt, cánh gọn. Đặc biệt, nước chè trong, sánh, màu xanh vàng, mùi thơm đặc trưng.
|
Chè Đoỏng Pán là đặc sản của huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. Ảnh: caobang.gov. |
Chè Đoỏng Pán được người dân ưu ái gọi là đệ nhất chè rừng không chỉ bởi số lượng ít mà còn nhờ hương vị đặc biệt - đắng mà thanh, chát mà ngọt. Chè có mùi thơm dễ chịu và độ nồng đặc trưng từ khói bếp than củi.
Các cụ cao tuổi trong làng truyền lại rằng, chè Đoỏng Pán ngon phải đạt cả thanh, sắc, vị, thần. Cụ thể, nước trà pha có màu xanh ánh vàng mật ong (thanh); cánh chè cong như móc câu, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng lại thấy sắc xanh (sắc); vị trà đậm đà, mới uống thì chát êm, sau đó vị ngọt đọng lại (vị); cuối cùng là mùi thơm khiến người thưởng trà có cảm giác khoan khoái (thần).
|
Chè Đoỏng Pán đến nay vẫn được sao bằng tay với than củi. Ảnh: caobang.gov. |
Cây chè nơi đây quen với thời tiết địa phương nên tự sinh trưởng tốt mà không cần đến tay người chăm bón. Một năm, người dân thu hoạch 2 vụ. Vụ xuân bắt đầu thu từ tháng 3 đến tháng 6, vụ đông bắt đầu thu từ tháng 9 dương lịch đến hết năm. Nếu trồng mới, sau khoảng 2 năm, cây bắt đầu cho thu búp. Búp chè được chế biến thành chè khô, còn lá chè tươi có thể được hái về nấu nước uống hoặc nước tắm cho trẻ nhỏ.
Ông Hà Văn Nghị ở thôn Đoỏng Pán 3 cho biết, hiện, gia đình ông có khoảng 2.000 gốc chè. Vào chính mùa, cứ 15-20 ngày, ông lại hái chè ở vườn, sao lên rồi mang xuống chợ phiên bán. Chè Đoỏng Pán được giá 400.000-600.000 đồng một kg nhưng làm rất tốn công. Hái 2-3 kg búp chè tươi mới được khoảng 500 gram chè khô. Bên cạnh đó, toàn bộ công đoạn hái, vò và sao chè đều phải tiến hành thủ công bằng tay. Ngoài ra, người dân còn mất ít nhất 3 tiếng sao trên bếp củi để cho ra một mẻ chè vài lạng.
"Do tốn khá nhiều thời gian và công sức nên chè Đoỏng Pán chủ yếu được làm để bà con gia tăng thu nhập chứ không phải là nghề chính ở đây", ông Nghị chia sẻ.
|
Người làm mất ít nhất 3 tiếng sao búp chè trên bếp củi mới cho ra một mẻ chè vài lạng. Ảnh: caobang.gov. |
Tuy là nghề phụ nhưng ở Đoỏng Pán, cây chè đã đi vào ký ức nhiều lớp người. Mỗi thế hệ đi qua, người già lại tiếp tục truyền kinh nghiệm sao, ủ chè lại cho con cháu mình để giữ gìn và phát huy một nét truyền thống riêng.
Hiện nay, địa phương còn gần 60 hộ trồng và bán chè. Còn lại, các gia đình khác chỉ trồng để phục vụ lấy nước uống hàng ngày, làm quà biếu hoặc tiếp khách quý.
Như Nguyệt