TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, tiểu không tự chủ ở nam giới là tình trạng són nước tiểu bất thường do bàng quang bị mất kiểm soát, không có khả năng trữ nước hoặc đào thải như bình thường. Tuy nhiên, đây không phải là một loại bệnh mà có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiềm ẩn khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến...
Triệu chứng tiểu không tự chủ ở nam giới sẽ khác nhau tùy vào từng loại, bao gồm:
Tiểu gấp không kiểm soát: Nguyên nhân chủ yếu do bàng quang hoạt động quá mức. Triệu chứng bao gồm: cảm giác buồn tiểu xuất hiện đột ngột, cần phải đi vệ sinh ngay lập tức và đôi khi không kịp phản ứng; không kiềm được tình trạng nước tiểu thải ra ngoài; tiểu trong lúc ngủ; một số trường hợp mắc tiểu ngay khi chạm vào nước lạnh hoặc ở trong môi trường nhiệt độ thấp.
Tiểu không kiểm soát khi gắng sức: Là tình trạng nước tiểu xuất tiết không theo ý muốn. Triệu chứng dễ nhận biết như són tiểu khi ho, hắt hơi, cười, đi bộ, nâng vật nặng, tập thể dục...
Tiểu không kiểm soát do tràn đầy: Đây là tình trạng tiểu không tự chủ phổ biến ở nam giới, xảy ra khi bàng quang chứa quá nhiều nước tiểu, tràn ra ngoài gây rò rỉ. Một số triệu chứng dễ nhận biết như đi tiểu thường xuyên, bất kể ngày hay đêm; khó tiểu; dòng nước tiểu yếu; cảm giác bàng quang luôn đầy ngay cả khi vừa đi tiểu; căng tức vùng bụng dưới.
Tiểu không kiểm soát hỗn hợp: Nguyên nhân gây ra loại tiểu này vẫn chưa được xác định chính xác. Triệu chứng gặp phải có thể bao gồm tất cả các các dấu hiệu của những loại trên.
Bác sĩ Đức cho biết, tiểu không tự chủ thường xảy ra phổ biến ở nam giới, đặc biệt là nam giới lớn tuổi. Phụ thuộc vào nguyên nhân, tiểu không kiểm soát có thể xuất hiện tạm thời hoặc kéo dài dai dẳng. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Rắc rối này cũng là nguyên nhân gây trầm cảm với tỷ lệ cao ở nam giới.
Điều trị bệnh tiểu không tự chủ cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện, dùng thuốc hoặc phẫu thuật nếu tình trạng nặng.
Cụ thể, người bệnh nên duy trì việc uống nước đều đặn bằng cách chia nhỏ thành nhiều cữ uống trong ngày; duy trì thói quen có lợi cho bàng quang như đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu, không nhịn tiểu, giảm uống rượu và các loại đồ uống chứa caffeine....
Thực hiện các bài tập tăng cường cơ sàn chậu và tập thể dục đều đặn giúp duy trì mức cân nặng hợp lý, ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực lên bàng quang và hệ thống đường tiết niệu.
Phòng ngừa táo bón; điều trị dứt điểm bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang nhằm giảm tác động lên hoạt động bài tiết của cơ thể. Tuân theo việc điều trị bằng thuốc.
Cũng theo bác sĩ Đức, phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi tình trạng tiểu không tự chủ ở nam giới đã tiến triển nghiêm trọng và không thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị nội khoa. Một trong những phẫu thuật đem lại hiệu quả cao, khắc phục vấn đề cho người bệnh là kỹ thuật cơ thắt nhân tạo (AUS). Bác sĩ thực hiện bằng cách sử dụng một chiếc vòng nhỏ chứa đầy chất lỏng để cấy xung quanh cổ bàng quang. Kỹ thuật này giữ cơ vòng tiết niệu luôn đóng cho đến khi đi tiểu. Khi có nhu cầu đi vệ sinh, người bệnh chỉ cần nhấn van được đặt dưới da để nước tiểu chảy ra.
Song song với phòng bệnh, nam giới nên đi khám bác sĩ tiết niệu ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường liên quan đến tiết niệu để được bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
Hoàng Trang