Tiết kiệm và chăm chỉ để có tích lũy là kế hoạch mà nhiều người đã và đang làm. Nhưng để trở nên khá giả, giàu có, bạn sẽ cần nhiều điều kiện hơn để làm lực đẩy mới có thể thành công. Tại sao hai cặp vợ chồng đều tiết kiệm và chăm chỉ như nhau nhưng kết quả lại khác nhau?
Lý do thứ nhất là vì hoàn cảnh gia đình họ khác nhau, cha mẹ bạn khá giả, có thể làm chỗ dựa ban đầu lúc bạn còn khó khăn, nên bạn còn tích lũy được chút ít. Trong khi đó, người kia có cha mẹ nghèo, họ phải chu cấp ngược lại, nên chẳng còn tích lũy được gì. Thứ hai là mặt bằng lương sau một thời gian sẽ có sự chênh nhau khá xa, bạn có thể được tăng lương từ 5 lên 20 triệu đòng, còn họ chỉ tăng được lên 10 triệu.
Thứ ba là vị trí việc làm bạn có thể kiếm thêm ngoài lương, còn người kia thì không thể. Thứ tư là vị trí địa lý, bạn ở thành phố lớn, cơ hội thay đổi việc làm thuận lợi hơn, đồng nghĩa với kiếm tiền nhiều hơn. Thứ năm là nhờ sự may mắn, bạn mua được miếng đất gần quy hoạch dự án, giá tự nhiên tăng vù vù, còn người kia cũng mua đất nhưng vướng mở đường, bị lỗ vì đền bù giá thấp...
Thế nên, trong cuộc sống, có người giàu lên rồi phá sản, có người nghèo lại phất lên, tất cả còn phụ thuộc nhiều vào thời cuộc nữa. Ví dụ thời Covid, người sản xuất vaccine giàu lên, nhưng ngành hàng không, du lịch lại lỗ nặng. Tôi đồng ý là chúng ta phải chăm chỉ và tiết kiệm để cuộc sống ngày một tốt hơn, tránh làm ít, tiêu nhiều hoặc vướng vào tệ nạn. Nhưng còn chuyện thành công hay không thì không phải chỉ có tiết kiệm và chăm chỉ là đạt được.
>> 23 năm tiết kiệm để có tài sản 12 tỷ đồng
Nói về tiết kiệm, có nhiều người rất cực đoan, đến nỗi thường xuyên giặt giấy vệ sinh để tái sử dụng, mặc một bộ đồ lót 14 năm hay bới thùng rác để kiếm thức ăn. Tiết kiệm có cần thiết không? Có, nhưng không phải ai cũng biết tiết kiệm một cách thông minh.
Ngày xưa nghèo quá phải tiết kiệm đến mức hà tiện thì mới sống nổi. Ngày nay đời sống sung túc hơn nhiều nhưng vẫn cần tiết kiệm để "tích cốc phòng cơ" vì thiên tai dịch bệnh ngày càng khốc liệt và bất ngờ. Nhưng tiết kiệm phải dựa vào thu nhập, làm nhiều tiêu nhiều, làm ít tiêu ít. Nhưng dù giàu hay nghèo đều phải có tiêu chí chung là tiêu dùng như thế nào cũng phải bảo đảm được sức khỏe và bảo vệ được môi trường. Nếu mọi người trước khi tiêu dùng đều nghĩ về hai vấn đề này thì tự khắc sẽ biết thế nào là đủ.
Ví dụ, người nghèo thường mua đồ rẻ, thực phẩm thì không được tươi, nhưng ăn vào nhiều càng hại sức khỏe, lại tốn tiền khám chữa bệnh, thuôc men. Còn mua đồ dùng rẻ dùng vài tháng hỏng lại vứt đầy ra môi trường. Vậy ta ăn ít lại nhưng là đồ tươi, ta dùng ít lại nhưng là đồ chất lượng. Còn người giàu mua đồ ngon, hàng hóa chất lượng cao nhưng đủ dùng,để không vứt bỏ ra môi trường quá nhiều. Mọi người bây giờ nên học hỏi cách tiêu dùng thông minh vừa lợi cho mình và cho xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.