Cách đây không lâu, khi săn lùng những người tiết kiệm cực đoan nhất nước Anh, chuyên gia tiết kiệm nổi tiếng Martin Lewis đã phát hiện một người phụ nữ tên Charlotte Jessop với cách tiết kiệm gây tranh cãi.
Sau khi sinh con, Charlotte may tã lót cho con từ vải vụn. Điều đặc biệt là từ lâu gia đình không sử dụng giấy vệ sinh một lần mà tái sử dụng nó. Bà mẹ hai con cho biết, cách làm này đã giúp mình dành dụm được hàng nghìn USD mỗi năm. "Không những vậy, còn rất thân thiện với môi trường", cựu giáo viên toán nói.
Charlotte chia sẻ: "Hồi sinh bé thứ nhất, giống như nhiều bà mẹ khác, tôi dùng giấy ướt để vệ sinh cho con. Một thời gian tôi thấy cách này rất ổn, nếu có tác dụng với trẻ nhỏ thì sao không áp dụng cho người lớn". Từ thời điểm đó, cô không còn mua giấy vệ sinh dùng một lần nữa mà sử dụng vải tự nhiên để làm những cuộn giấy vệ sinh có thể giặt sạch và tái sử dụng. Thậm chí, băng vệ sinh phụ nữ Charlotte cũng tái sử dụng từ những chiếc áo phông cũ.
Ba năm qua, người phụ nữ này đã tiết kiệm được 230 bảng Anh cho sản phẩm băng vệ sinh, 400 bảng cho giấy vệ sinh, 200 bảng cho viên giặt và 280 bảng cho tã lót. Cô cũng "bỏ túi" được 97 bảng khi không sử dụng khăn giấy, khoảng 350 bảng cho màng bọc thực phẩm, 105 bảng cho dầu gội đầu cũng như dầu xả (dùng xà phòng thay thế) và 400 bảng cho túi đựng thực phẩm, giấy dán tường.
Trong 5 năm, Charlotte đã tiết kiệm gần 2.300 bảng, nhờ đó cô có phần lớn kinh phí để thực hiện chuyến du lịch quá 12 nước và 5 châu lục. Trong quá trình du ngoạn, người phụ nữ này cũng tìm mọi cách để giảm thiểu tối đa chi phí như không thuê nhà nghỉ hay ăn uống ở hàng quán.
Sau khi chương trình được phát sóng, người dẫn chương trình Martin Lewis nói rằng ông rất ấn tượng với nỗ lực tiết kiệm của Charlotte Jessop. "Thật sự khâm phục cả về tài chính và ý thức bảo vệ môi trường của người mẹ này", ông nói.
Tuy nhiên, có người phản bác, bình luận rằng họ thấy băn khoăn khi tái sử dụng giấy vệ sinh. "Số tiền người phụ nữ này tiết kiệm được khi không mua giấy dùng một lần có khi ngang ngửa thậm chí nhiều hơn chi phí bỏ ra để giặt giấy vệ sinh tái sử dụng. Cứ nghĩ mà xem, nếu giặt riêng thì rất lãng phí. Nếu giặt chung với quần áo thì những cuộn giấy đó thực sự sạch không". Người này cũng khẳng định, sẽ không bao giờ tiết kiệm theo kiểu cực đoạn như vậy. "Thà dùng giấy vệ sinh một lần làm từ các sản phẩm tái chế còn hơn dùng cách này".
Trước đó, tại một chương trình tiết kiệm ở Mỹ, Kate Hashimoto, người gốc Nhật ở New York cũng khiến nhiều người "ngã ngửa" bởi cách tiết kiệm không giống ai của mình, dù có thu nhập rất cao do làm việc tại một công ty kiểm toán quốc tế.
Để tiết kiệm, Hashimoto cũng không sử dụng giấy vệ sinh, không mua quần áo mới. Bộ đồ lót cô mặc tới 14 năm, áo sơ mi có gần 10 năm sử dụng. Những chiếc quần đùi giãn hết chun, phải dùng kẹp mỗi khi sử dụng. Kate Hashimoto cũng tự cắt tóc và giặt quần áo ngay trong lúc đang tắm cho đỡ tốn nước. Khi vé tàu tăng giá cô chọn cách đi bộ đến chỗ làm việc. Để kiếm thêm, cô tham gia các buổi khảo sát, dùng thử đồ miễn phí hay tham gia tiêm thử nghiệm vaccine và các biện pháp y khoa mới để có tiền. Đồ đạc trong nhà đều do cô nhặt được từ xe rác trên phố. Giường ngủ được ghép từ hai tấm thảm tập yoga. Trong khi đó, bàn ăn là những tờ tạp chí cũ xếp chồng lên nhau.
Roy Haynes - một người Mỹ khác nổi tiếng với biệt danh "ông trùm hà tiện" hay người đàn ông ‘rẻ tiền’ nhất nước Mỹ" cũng khiến khán giả "đứng tim" với cách tiết kiệm kì quặc. Ví dụ như đi siêu thị mua hoa quả, ông sẽ ngắt bớt cuống để giảm trọng lượng, dùng vỏ chuối để đánh giày. Với những loại giấy hay bát đũa dùng một lần, dùng xong ông sẽ giặt hoặc đánh sạch, phơi khô rồi tái sử dụng. Với giấy vệ sinh 2 lớp, ông tách đôi để sử dụng được nhiều hơn.
Vy Trang (Theo Mirror)