Nói về câu chuyện quản lý tài chính, mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, do vậy việc tiêu dùng là quyền riêng tư, miễn sao việc tiêu dùng đó không ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quan điểm "mỗi tháng cố lắm cũng chỉ tiết kiệm được vài triệu, cả đời cũng chẳng mua được nhà" là không ổn.
Vài triệu với người này không lớn, nhưng với người khác lại là cả một gia tài. Vài triệu đó có thể bằng một phần ba hoặc nửa tháng lương của công nhân rồi. Vài triệu đó không mua được nhà, nhưng nó là tiền để dành cho những lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp... Vài triệu một tháng không lớn nhưng nếu tháng nào cũng tiết kiệm vài triệu thì một năm sẽ có vài chục triệu, lúc đó không còn là con số nhỏ.
Trong cuốn sách "Người giàu nhất thành Babylon", tác giả đưa ra bí quyết để trở nên giàu có là hãy dành ít nhất 10% số tiền kiếm được mỗi tháng. Sau đó dùng số tiền đó để đầu tư, tức là để đồng tiền đẻ ra tiền, nhưng phải là đầu tư an toàn. Khi tiết kiệm được vài chục triệu mỗi năm, bạn có thể dùng số tiền đó để gửi ngân hàng lấy lãi, có thể đầu tư chứng khoán hoặc đầu tư vào các kênh an toàn khác.
Sau nhiều năm, số tiền bắt đầu lớn hơn. Bạn có thể không mua được nhà đất ở các thành phố lớn nhưng có thể mua được nhà, đất nhỏ ở các tỉnh lân cận. Lúc này. Số tiền đó có thể không phải là tài sản lớn nhưng ít nhất nó cũng là một tài sản có giá trị, là khoản dự phòng. Thế nên câu nói "mỗi tháng cố lắm cũng chỉ tiết kiệm được vài triệu" chỉ là sự biện hộ cho thói quen tiêu dùng hoang phí của một số người mà thôi.
>> Thu nhập 500 triệu đồng, tiêu 40 triệu
Theo quan điểm của tôi, kiếm tiền và tiết kiệm đều quan trọng như nhau. Nếu bạn kiếm nhiều mà không tiết kiệm thì bạn cũng chẳng có dư, hoặc dư không bao nhiêu. Nếu bạn "mất sạch" số tiền tiết kiệm thì cái này không phải lỗi do bạn mà là hoàn cảnh. Còn nếu bạn không tiết kiệm thì khi có hữu sự, bạn lấy tiền đâu ra để lo cho người thân? Nếu bạn cho rằng kiếm tiền quan trọng hơn thì hãy tìm đọc hai cuốn sách là "Nhà triệu phú hàng xóm" và "Người giàu nhất thành Babylon" để thấy việc tiết kiệm tiền quan trọng như thế nào?
Người già có tiền là có thể tự lo cho mình. Cha mẹ thương con chính là khi về già không cần nhờ đến con cái phải nuôi mình. Nếu bạn ốm đau, bệnh tật mà con cái quá bận rộn không thể chăm sóc, bạn vẫn có thể thuê người chăm sóc mình nếu có tiền. Ngày nay, các dịch vụ chăm sóc người già và người bệnh rất phát triển, họ là những người được đào tạo chuyên nghiệp, nên chăm sóc còn tốt hơn cả con cái. Do vậy, hãy tiết kiệm bởi đồng tiền chính là sức mạnh của người già.
Tôi thấy ngày nay rất nhiều bạn trẻ sử dụng đồng tiền chưa có kế hoạch hợp lý. Dĩ nhiên là làm ra tiền thì phải tiêu xài, nhưng cách tiêu tiền của một số bạn trẻ theo kiểu "làm được bao nhiêu, tiêu xài hết bấy nhiêu" là một sai lầm. Tôi thấy nhiều bạn trẻ là công nhân, chưa có gia đình riêng, tiền lương của họ cũng không cao, nhưng toàn sử dụng điện thoại xịn, đi xe tay ga đời mới. Tiêu xài kiểu đó thì làm gì có khoản tích lũy khi về già, làm gì có khoản dự phòng cho những lúc ốm đau, hoạn nạn, hay phòng thân những lúc thất nghiệp, không có việc làm?
Nếu cứ sử dụng đồng tiền như vậy, lúc không còn sức lao động, bạn sẽ trở thành gánh nặng cho con cái, hoặc là đến khi về già vẫn phải lao động. Nếu không còn sức để lao động, bạn thậm chí sẽ phải đi bán vé số, ăn xin để sống qua ngày.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.