Trong đề xuất đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương dự kiến rút biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ sáu bậc xuống còn năm bậc (rút gọn bậc 1 và 2), thậm chí là bốn bậc. Theo đó, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng một kWh, cao nhất 3.356 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng một kWh đang áp dụng. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh như trước.
Đánh giá về đề xuất này, độc giả Tran Huu đặt dấu hỏi: "Chia bậc mới chỉ là hình thức, về cơ bản là tăng giá điện. Nếu một hộ dân dùng 1.000 kWh một tháng, theo cách chia trước đây, họ phải trả 2.459.350 đồng (chưa thuế), còn với cách tính mới, số tiền cần trả là 2.787.940 đồng (với phương án năm bậc) và 2.694.000 đồng (với phương án bốn bậc). Như vậy, tính theo cách nào thì người dân cũng phải 'bớt đi miếng thịt' trong bữa ăn hàng ngày để trả thêm tiền điện?".
Cùng chung thắc mắc về cách tính giá điện mới, bạn đọc Rubi phân tích: "Giả sử một hộ gia đình dùng 200 kWh điện một tháng. Theo khung giá cũ, tính sáu bậc, họ phải trả 343.250 đồng. Còn với khung giá mới, họ phải trả 369.200 đồng cho năm bậc và 384.100 đồng cho bốn bậc. Như vậy, khung giá mới kiểu gì cũng sẽ khiến số tiền điện phải trả của một hộ gia đình tăng lên, vì hiếm có nhà nào dùng dưới 100 kWh điện cả. Nhà tôi có bốn người, đi làm và đi học cả ngày, mà tháng cũng dùng trên 250 kWh điện và phải trả gần 700.000 đồng".
"Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước, nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Thực tế, tôi thấy chỉ giữ nguyên bậc một, còn các bậc khác đều tăng giá chứ không hề giảm", độc giả Hungpt bổ sung thêm.
>> Trao quyền tăng giá điện cho EVN
Nói về đề xuất điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt, bạn đọc Bachviet góp ý: "Những nhà chỉ dám dùng dưới 50 số điện sẽ phải nộp thêm tiền, trong khi đây đáng nhẽ phải là những đối tượng được hỗ trợ. Đúng đắn nhất là mức dưới 50 kWh hoặc 100 kWh giá phải thật rẻ để giảm khó khăn cho người nghèo. Ngược lại mức từ 700 kWh tăng giá thật cao, bởi những gia đình sử dụng tới mức này rất có điều kiện tài chính, đồng thời đây cũng là cách khuyến khích họ tiết kiệm điện".
Nhấn mạnh việc điều chỉnh giá điện cần bám sát vào nhu cầu sinh hoạt và mức sống của người dân, độc giả Levanung kết lại: "Giờ ta hãy xét mặt bằng chung xã hội hiện nay, một hộ gia đình cần sử dụng các thiết bị điện sau: một TV, một tủ lạnh, nồi cơm, quạt điện, các thiết bị chiếu sáng... Vậy có muốn tiết kiệm điện (dùng dưới 100 kWh một tháng) cũng khó. Có thể nhiều người sẽ bảo 'sợ tốn thì đừng dùng', nhưng thử hỏi, ở xã hội hiện đại, những thứ kể trên được mặc định là đồ dùng thiết yếu trong gia đình, không dùng sao được? May ra chỉ có những hộ gia đình ở trên núi cao, rừng sâu của những bản làng khó khăn thật sự mới không dùng đến, nhưng họ là thiểu số. Vậy nên, tôi luôn mong ngành điện lực sẽ có thật nhiều những đóng góp, việc làm có ý nghĩa cho xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn thay vì tăng giá điện".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.