(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Điện khác với các loại hàng hóa khác là bất kể bạn xài nhiều hay ít, nó vẫn không hao hụt. Chừng nào nguồn phát còn hoạt động thì điện vẫn hiện diện trên lưới. Tiền điện mà bạn trả là để trả cho việc duy trì nguồn phát chứ không phải do bạn xài ít hay nhiều. Nếu bạn (và mọi người) xài ít dẫn đến tổng công suất tiêu thụ thấp xa so với tổng công suất của nguồn phát thì bạn phải trả thêm tiền cho khoản chênh lệch công suất không dùng đến. Cho nên, càng xài ít điện thì nhà đèn càng có cớ để tăng giá.
Người ta chỉ kêu gọi tiết kiệm điện khi tổng công suất tiêu thụ tiệm cận tổng công suất phát điện. Trong trường hợp này, một số khu vực có thể dẫn đến sụt áp (dễ nhận biết nhất là hiện tượng đèn chập chờn khi tỏ khi mờ, quạt lúc chạy lúc không). Người ta sẽ phải cúp điện một vài khu vực để giảm công suất tiêu thụ xuống ngưỡng an toàn. Cho nên có nơi người ta tính giá điện giờ cao điểm cao hơn giờ bình thường là vì thế.
Nơi có giá điện bậc thang không phải do thiếu điện mà do truyền tải xa, một phần công suất bị hao hụt trên dây dẫn. Tiêu thụ điện càng nhiều, khoản hao hụt này càng lớn. Đó là lý do người ta dùng giá điện bậc thang với giá cả ngày càng cao để trả cho khoản hao hụt này. Những quốc gia phải xài giá điện bậc thang là những quốc gia có diện tích lãnh thổ rộng lớn, đường dây tải điện (mạng cao thế) dài hàng trăm đến hàng nghìn km. Nước ta hầu như nơi nào cũng có nhà máy điện, có cần dùng giá điện bậc thang không?
>> 'Giá điện bậc thang là đi lùi với thế giới'
Thấy người ta kêu gọi tiết kiệm điện, dùng giá điện bậc thang rồi a dua theo không cần tìm hiểu rõ nguyên nhân thì đâu gọi là ý thức xài điện? Thủy điện, quang điện, phong điện giá rẻ nhưng công suất không ổn định vì phụ thuộc vào thiên nhiên. Người ta vẫn xây nhiệt điện giá cao luôn có công suất ổn định để dự phòng tình trạng sụt áp. Còn ta, cái dùng để dự phòng thì thường xuyên chạy, còn cái lẽ ra phải thường xuyên chạy thì chừng nào thiếu mới mua.
Một phần nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do độc quyền. Người dùng điện ngày nay có kiến thức về điện hơn xa ngày xưa nên nguồn phát cần công khai giá bán. Nhà nước công khai chi phí hao hụt khi truyền tải, người mua bán sỉ điện công khai giá mua vào và bán ra cho từng hộ tiêu thụ thì sẽ không còn ai kêu ca gì nữa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.