Tiếp tục câu chuyện về dùng điện một giá hay bậc thang, độc giả Nguyen Lam chia sẻ quan điểm về những hệ lụy khi cào bằng giá điện:
"Nhiều bạn đòi huỷ bỏ cách tính giá điện năm bậc nhưng lại không quan tâm tới việc EVN làm ăn thế nào? Các bạn than phiền rằng giá điện mắc mà không quan tâm tới việc EVN định giá có hợp lý hay không? Theo tôi, điều quan trọng nhất là trong những năm qua, với mức định giá như vậy, EVN lời mỗi năm bao nhiêu, có phù hợp với quy mô vốn hiện tại hay không, chi lương thưởng cán bộ như thế nào, có bất hợp lý so với những ngành khác không, rồi đầu tư, nâng cấp hệ thống điện tốt chưa, nộp ngân sách bao nhiêu...? Nếu việc thu và chi của EVN là hoàn toàn hợp lý thì chúng ta phải chấp nhận giá điện hiện tại là điều đương nhiên.
Còn về chuyện điện một giá hay điện nhiều giá thì đó chỉ là chính sách. Thay đổi chính sách này chỉ là sự chuyển tiền điện từ người này chịu sang người khác chịu. EVN hoàn toàn có khả năng tính toán để nguồn thu của mình không đổi.
Chính sách điện nhiều giá cũng có nhưng ý nghĩa riêng của nó. Vì điện vẫn là tài nguyên, không phải hàng hoá thông thường và chi phí sản xuất điện, mua điện của EVN cũng tăng theo sản lượng.
Nếu lượng điện sử dụng hạn chế, EVN có thể vận hành những nhà máy có chi phí thấp để giá điện giảm. Nếu sử dụng điện phung phí, EVN buộc phải vận hành những nhà máy có chi phí cao hơn hay mua điện từ nước ngoài, lúc đó chi phí trung bình cho mỗi đơn vị điện sẽ cao lên. Chính sách điện một giá sẽ cào bằng giá điện cho mỗi người, người sử dụng điên ít phải chịu giá cao do anh khác sử dụng điện nhiều, không hợp lý".
>> Nới rộng khoảng cách lũy tiến các bậc thay vì điện một giá
Phân tích rõ hơn những tác động tiêu cực khi áp dụng song song cả điện một giá và điện bậc thang, bạn đọc Nguyen duc hoat nhận định:
"EVN sẽ tăng mức giá bình quân nếu lỗ, đó là điều đương nhiên vì họ là doanh nghiệp nên phải cân đối chi phí - thu nhập. Và thêm vấn đề nữa là với chính sách hai bảng giá (điện một giá và bậc thang) sẽ gây nên hiệu ứng tiêu cực: những người dùng nhiều (doanh nghiệp, hộ trung lưu trở lên...) sẽ đăng ký cách tính một giá và xài càng nhiều càng rẻ, trong khi những người dùng ít (hộ gia đình có mức sống trung bình trở xuống...) sẽ chọn cách tính giá bậc thang.
Hai nhóm này đều chọn cách tính giá có lợi cho họ nhất. Hệ quả là nhóm chọn điện một giá sẽ tăng dùng điện vì cách tính này không khuyến khích họ tiết kiệm điện như cách tính bậc thang. Họ có thể sẽ dùng điện để thay thế các nguồn năng lượng, vật dụng khác trong sản xuất, sinh hoạt... khi giá điện dùng nhiều trở nên thấp hơn. Trong khi đó, nhóm chọn cách tính bậc thang không có xu hướng tăng dùng điện vì cách tính này hạn chế họ dùng nhiều (do giá tăng cao) và vì họ có xu hướng tiết kiệm chi phí bởi thu nhập không cao.
Khi đó, nhu cầu dùng điện tăng, cung cấp điện tăng, chi phí tăng, nhưng thu nhập của EVN không tăng. Nếu lỗ, EVN sẽ tăng giá điện bình quân, khi đó cả hai nhóm đều bị tăng giá, nhưng nhóm chọn giá bậc thang sẽ thiệt hơn vì họ không tăng nhu cầu dùng điện nhưng vẫn bị tăng giá, còn nhóm chọn cách tính một giá sẽ có lợi hơn vì họ là nguyên nhân chính làm giá điện tăng (do xu hướng tăng dùng điện). Kết quả những người này được nhóm dùng điện bậc thang chịu giúp một phần tiền điện khi EVN tăng giá bình quân".
>> Điện một giá 2.890 đồng một kWh - 'bình mới rượu cũ'
Trong khi đó, chia sẻ về cách tính giá điện tại Đức, độc giả Phan Sĩ Hoàng đưa ra gợi ý:
"Tôi ở Đức, họ bán điện như sau:
- Mỗi hộ dùng điện (tính theo hộ, bất kể chủ nhà hay người thuê nhà, trừ khi ở ghép hoặc chủ nhà bao tiền điện) khi chuyển đến nơi ở mới đều phải đăng ký hợp đồng điện mới.
- Khi làm hợp đồng, bạn chọn gói điện của mình, có thể trả tiền hàng tháng, hàng năm, theo gói cơ bản hoặc năng lượng sạch (giá mỗi gói sẽ khác nhau). Kèm theo mã số công tơ điện của hộ gia đình mình.
- Mỗi gói điện, bạn sẽ đăng ký trước mức điện bạn sẽ sử dùng hàng tháng trong năm đó. Giả sử bạn dùng gói trả hàng tháng, mỗi tháng bạn sẽ trả một khoản tiền cố định (ví dụ 90 Euro), trong 12 tháng, không quan trọng bạn thực dùng là bao nhiêu.
- Hàng tháng công ty điện sẽ trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng bạn đã đăng ký một số tiền cố định đó.
- Sau 12 tháng, công ty điện sẽ yêu cầu bạn nhập số điện hiện tại (qua internet hoặc gửi thư) để tính lại tiền hóa đơn cho bạn. Nếu bạn dùng vượt quá nhiều hạn mức, năm tiếp theo bạn sẽ bị tính cước giá mới, hàng tháng sẽ bị trừ nhiều tiền hơn. Ngược lại, nếu bạn dùng ít hơn đáng kể, họ có thể sẽ giảm giá hạn mức và giá cước cho bạn. Nếu bạn dùng quá ít điện, công ty điện có thể sẽ gửi thư hỏi thăm và khuyến khích bạn dùng nhiều điện hơn".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.