Trước giãn cách xã hội, thu nhập của vợ chồng tôi đều ổn. Tôi làm bên ngành dịch vụ nên thu nhập cũng khá, đủ lo các khoản cứng của gia đình như trả tiền ngân hàng khi mua nhà trả góp, đóng tiền học cho con, tiền điện nước,... và dành dụm được chút ít. Vợ tôi làm văn phòng, công việc ổn định với mức lương khoảng 10 triệu một tháng. Chi phí ăn uống hàng ngày sẽ do vợ lo. Nếu thiếu, tôi sẽ bù thêm. Thỉnh thoảng, nếu kiếm được khoản tiền kha khá, tôi hay cho vợ vài triệu để mua sắm thêm.
Tuy nhiên, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, tôi phải nghỉ làm ở nhà, không có thu nhập. May mắn công việc của vợ tôi có thể làm online nên gia đình vẫn còn một khoản thu nhập. Hàng tháng chúng tôi dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi để đóng lãi ngân hàng, còn lại đều trông vào lương của vợ. Vì không làm ra tiền nên tôi rất lo lắng, cuộc sống của hai vợ chồng với hai đứa con đụng đâu cũng cần đến tiền. Thời điểm này, tôi cố gắng cắt giảm nhất có thể những nhu cầu không cần thiết của bản thân như uống bia, mở điều hòa, xem tivi,... Tôi chỉ mong ăn no chứ không cần ăn ngon, đầy đủ "cao lương mỹ vị" như trước.
Nhưng vợ tôi không chịu được như vậy. Từ nhỏ, em đã quen với việc ăn uống thoải mái, thích gì mua đó. Trước giờ, đồ ăn nhà tôi luôn chất đầy tủ lạnh, cứ thấy đồ gì ngon trên mạng là em đặt về nhà. Em quan niệm phải ăn uống đầy đủ mới giữ được sức khỏe tốt mà chống dịch. Tôi đồng ý với quan điểm của vợ. Nhưng thay vì bữa ăn "sang chảnh" như lẩu, đồ nướng,... chúng tôi có thể ăn bữa cơm bình thường với món canh, món mặn, món rau. Tôi nghĩ như vậy cũng đủ chất rồi. Hoa quả thì có thể ăn chuối, cam, ổi,... thay vì nho hoặc táo nhập khẩu.
Tôi sợ dịch bệnh căng thẳng, thời gian ở nhà kéo dài, với số tiền tiết kiệm gần hết kia, liệu gia đình tôi "trụ" được bao lâu đây. Lương của vợ tôi chi tiêu ăn uống còn được chứ chưa đủ đóng tiền lãi ngân hàng, rồi còn bao nhiêu khoản phải chi tiêu khác nữa. Tôi từng nhỏ nhẹ khuyên vợ nên tiết kiệm hơn, để dành tiền phòng khi dịch kéo dài nhưng chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đó, nên tôi thực sự lo lắng mà chẳng biết làm sao. Liệu có ai đang rơi vào hoàn cảnh như tôi không?
Tôi biết ngoài kia nhiều người còn khó khăn hơn mình, chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế để cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường.
Tân
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 (giờ hành chính) để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc