Đau họng có thể khiến bạn khó ăn, khó nói chuyện, cổ họng ngứa và đau khi nuốt. Các nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là do virus, cúm hoặc vi khuẩn. Hầu hết cơn đau họng không nghiêm trọng nhưng có thể kéo dài ít nhất 2-3 ngày. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây khó thở.
Đến nay có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc đau họng nên uống nước ấm hay nước lạnh. Nhiều người cho rằng uống thức uống lạnh làm nặng thêm cơn đau họng, song số khác nghĩ thức uống nóng khiến cơn đau họng kéo dài hơn.
Tờ Medical News Today dẫn chia sẻ của giáo sư Ron Eccles (công tác tại Đại học Cardiff, Anh), người bị đau họng có thể ăn kem hoặc các thức ăn lạnh. Ông giải thích, đá viên đôi khi là phương pháp giảm đau họng khá hiệu quả. Chúng có tác dụng làm mát cục bộ trên các mô bị viêm và ức chế các dây thần kinh nhạy cảm với cơn đau trong cổ họng.
Xét về thức uống nóng và tác dụng của nó với cơn đau họng, giáo sư Eccles giải thích, thức uống nóng cũng mang lại các lợi ích riêng với cơn đau họng. Nó thúc đẩy quá trình tiết nước bọt và bôi trơn cổ họng.
Theo giáo sư Eccls, thức uống nóng ngon hơn thức uống mát và thúc đẩy tiết nước bọt nhiều hơn. Từ đó tác động lên giác quan, mang lại hiệu ứng giả dược tốt hơn trong việc làm dịu cơn đau. Nghiên cứu của giáo sư Eccls thực hiện trên 30 bệnh nhân cho thấy, thức uống trái cây nóng giúp họ giảm đau họng tức thì và lâu dài. Những người tham gia nghiên cứu cho biết, thức uống nóng giúp các triệu chứng sổ mũi, ho, hắt hơi, đau họng, ớn lạnh và mệt mỏi giảm nhanh chóng và lâu dài.
Mặt khác, thức uống nóng thúc đẩy tiết nước bọt nhiều hơn, có tác dụng làm dịu những cơn đau nhanh chóng hơn. Thức uống nóng còn có tác dụng làm loãng dịch nhầy, giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi thường gặp khi đau họng. Ông khuyên người đang có các triệu chứng đau họng nên cân nhắc dùng nước nóng, ấm hoặc dùng thêm các loại súp nóng.
Theo tờ Medical News Today, người bị đau họng nên tránh các loại thức ăn nước uống gây kích ứng cổ họng và trầm trọng thêm các tình trạng khó nuốt. Đó là thức ăn nhiều dầu mỡ, bánh mì giòn, gia vị cây và nước sốt, nước soda, cà phê, bia rượu, thức ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh quy giòn hoặc bỏng ngô. Người bệnh cũng nên tránh ra các trái cây có tính axit chẳng hạn như cam, chanh, cà chua và bưởi...
Trung bình mỗi năm một người lớn có thể mắc bệnh cảm cúm thông thường từ 2-5 lần. Ở trẻ em trong độ tuổi đi học, con số này dao động từ 7-10 lần. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau họng như dị ứng, chất kích thích, nhiễm virus hoặc vi khuẩn, cảm lạnh... Ngoài ra, người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất trong không khí cũng có nguy cơ cao gặp các triệu chứng viêm họng, đau họng.
Khi có dấu hiệu của đau họng, viêm họng, người bệnh nên theo dõi kỹ. Nếu các triệu chứng nặng hơn theo thời gian, kéo dài hơn một tuần kèm theo khó thở, sốt, đau khớp, phát ban và khó khăn trong ăn uống, người bệnh nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp, nhất là khi nguyên nhân do vi khuẩn gây ra.
Anh Chi (Theo MedicalNewsTodays)