Theo NY Times, Covid-19 ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, não bộ, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và phổi, gây triệu chứng mệt mỏi, hay quên hoặc các bệnh tự miễn. Hậu Covid-19 là tình trạng xuất hiện các triệu chứng mới sau 3 tháng, kéo dài 6 tháng mà không được lý giải bằng chẩn đoán khác.
Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Bác sĩ trưởng Nutrihome Lê Đại Hành - Hệ thống Phòng khám Dinh Dưỡng Nutrihome, thông tin: Khái niệm hậu Covid-19 đa dạng, có nhiều cách định nghĩa, tuy nhiên, người dân nên hiểu, hậu Covid-19 đồng nghĩa với khoảng thời gian sau 3 tháng mà các cơ quan như gan, phổi, hệ tiêu hóa chưa thể phục hồi. Theo chuyên gia, người khỏi Covid-19 từ 1-3 tháng nên hạn chế những nhóm thực phẩm nhiều muối, chất kích thích để các cơ quan có thời gian hồi phục.
Đồ uống có gas, rượu, bia
Đồ uống có gas, chất kích thích như rượu, bia có thể làm cho cơ thể mệt, gây mất ngủ. Khi uống, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng như lo lắng hồi hộp, tim đập nhanh, chóng mặt. Thức uống cũng ảnh hưởng đến chức năng gan. Gan phải làm việc hết công suất để hấp thu, chuyển hóa đường, cồn trong đồ uống.
Với người bình thường, rượu bia ảnh hưởng đến mọi cơ quan, bởi nó là một phần tử nhỏ đi khắp nơi trong cơ thể. Từ ruột đến tim, mạch máu đến da, nó lan tỏa khắp nơi. Lượng đường dư thừa trong bia rượu làm tổn hại DNA và collagen trong da, có thể dẫn đến lão hóa nhanh. Người thường xuyên uống rượu có nguy cơ tử vong do các bệnh về tim mạch cao hơn đáng kể. Rượu cũng làm tăng huyết áp cả ngắn, dài hại, khiến tỷ lệ đau tim, đột quỵ cao.
"Với người khỏe mạnh, lạm dụng đồ uống có cồn, gas cũng không có lợi cho sức khỏe. Thông thường, người mới khỏi Covid-19 các chức năng gan, phổi, tim đang phục hồi nên cần hạn chế. Thời gian hạn chế các loại đồ uống này tốt nhất là sau 1-3 tháng sau khi khỏi Covid-19", bác sĩ Tùng thông tin.
Các thực phẩm nhiều muối
Thịt nguội, cá đóng hộp, những đồ ăn chứa nhiều muối sẽ làm ảnh hưởng đến tim mạch. Trong giai đoạn này cơ thể yếu, việc sử dụng nhiều các thực phẩm này làm tăng gánh nặng của tim. Khi cơ thể dung nạp muối, muối có cơ chế giữ nước lại. Nước này sẽ đi vào trong lòng mạch, làm cho huyết áp tăng lên, tim phải hoạt động hết công suất, thận làm việc tăng cường để lọc lượng máu này. Điều này có thể khiến cơ thể mệt mỏi vì làm việc quá sức.
Ngoài ra, để loại bỏ lượng muối dư thừa, thận phải dùng nhiều nước hơn khiến cơ thể bị mất nước và khát nước. Uống nhiều nước dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu.
Khi có quá nhiều muối (mặn) xâm nhập vào máu, hàm lượng nước trong máu tăng lên, làm tăng thể tích máu. thể tích máu chảy qua các mạch máu tăng gây áp lực lên thành mạch máu. Theo thời gian, các thành mao mạch này sẽ dày hơn, làm thu hẹp các mạch máu. Khi mạch máu bị thu hẹp có nghĩa là ít oxy và chất dinh dưỡng được vận chuyển đến các tế bào, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, đột quỵ
Thực phẩm tốt cho hậu Covid-19
Theo bác sĩ Tùng, thực phẩm tốt cho hậu Covid-19 chứa chất đạm, ít chất béo, cung cấp dinh dưỡng, năng lượng cho cơ thể. Gia đình có thể chọn thịt trắng, sử dụng chất béo từ các loại cá. Bạn ưu tiên thực phẩm có đường hấp thu tốt. Người bệnh nên ăn trái cây ít ngọt, giàu chất xơ, vitamin như xoài, ổi. Đồng thời, bạn bổ sung thêm các loại rau củ chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin A, D, C để tăng cường miễn dịch.
Vitamin A có nhiều trong những quả rau có màu cam, đỏ, cà rốt, bí đỏ, cà chua, gấc. Những chất chống oxy hóa thông thường chứa nhiều trong những loại gia vị nhưng gừng, nghệ, tỏi, rau thơm, húng, rau mùi. Đây là những nguồn thực phẩm có tác dụng làm cho tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, tăng cường chức năng hô hấp, phòng nhiễm khuẩn.
Trước câu hỏi "có nhóm thực phẩm tốt cho phổi", bác sĩ Tùng thông tin, không có nguồn thực phẩm ưu tiên cho phổi. Về bản chất cần cung cấp các thực phẩm giàu vitamin, chất chống oxy hóa, các thực phẩm giàu flavonoid. Để cải thiện chức năng phổi, mỗi người nên thực hiện các bài hồi phục chức năng, để giúp cơ quan khỏe mạnh. Chế độ tập luyện kết hợp dinh dưỡng khoa học.
Với những người có sức ăn kém, mất vị giác, ăn không ngon miệng sau khi mắc Covid-19 chức năng hệ tiêu hóa, sức đề kháng giảm. Trong giai đoạn này, năng lượng của họ kém, ít vận động, do đó không có cảm giác thèm ăn. Giải pháp khắc phục là chế biến món ăn có màu sắc hấp dẫn, sử dụng thêm gia vị từ rau mùi, xả, tỏi.
Nếu ăn bạn không tiêu, cần thu nhỏ bữa ăn, có thể chia thành 5, 6 bữa, trong đó có 3 bữa chính. Trong giai đoạn này, mỗi người cũng cần xây dựng thói quen lành mạnh ví dụ như ăn đúng giờ giấc, để sinh lý của hệ tiêu hóa hồi phục lại, thần kinh phát ra tín hiệu cơ thể đang đói. Nếu bạn cảm thấy chán ăn cơm thì chế biến cháo, thay đổi cách chế biến để tăng khả năng hấp thu.
Người bệnh có thể bổ sung thêm sữa. Ngoài ra, để kích thích ăn ngon miệng, bạn cần tập thể dục, cơ thể tập thiếu năng lượng, thèm ăn. Bác sĩ thông tin thêm, người mất vị giác khi chế biến thực phẩm không nên tăng thêm muối vì có tăng vẫn không cảm nhận được. Người khỏi Covid-19 có thể bổ sung các gia vị ngọt, chua, cay.
Lê Nguyễn