Thực phẩm thông thường (trái cây, rau, ngũ cốc, thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm đóng gói) được trồng và chế biến đều đã tiếp xúc với các hóa chất như hormone tăng trưởng, thuốc kháng sinh, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, các chất phụ gia nhân tạo và có thể chứa các thành phần biến đổi gene, có bằng chứng gây ung thư ở người.
Thực phẩm hữu cơ được trồng không có thuốc trừ sâu, phân bón, hạt giống biến đổi gene (GMO), hoặc chế biến từ động vật hữu cơ được nuôi không sử dụng hormone tăng trưởng, thuốc kháng sinh, thức ăn của chúng không chứa GMO, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học... Thực phẩm hữu cơ đóng gói không chứa chất bảo quản, màu sắc hoặc hương vị nhân tạo.
Việc tiếp xúc với hóa chất có gây ung thư hay không phụ thuộc vào loại và tổng lượng hóa chất đã tiếp xúc, cũng như sinh lý, di truyền, thói quen sống và các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. Ăn uống thực phẩm có chứa các hóa chất chỉ là một yếu tố nguy cơ phát triển ung thư. Tuy nhiên, giảm tiêu thụ những thực phẩm này là một cách để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Một nghiên cứu của Hiệp hội về tần suất tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với nguy cơ ung thư Pháp, trên gần 70.000 người trưởng thành cho thấy, những người tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đã giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra những người chọn thực phẩm hữu cơ cũng có ý thức về sức khỏe tổng thể hơn, hoạt động thể chất nhiều hơn, ít hút thuốc hơn và tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, tất cả điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ ung thư.
Dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón gây ung thư
Có hàng tá hóa chất được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp nhưng thuốc trừ sâu là một hóa phổ biến nhất tồn tại trong sản phẩm cây trồng. Thuốc trừ sâu khi phun lên cây sẽ được hấp thụ và đồng hóa vào cấu trúc tế bào khiến các sản phẩm (trái cây, rau) có dư lượng thuốc trừ sâu. Người và động vật sẽ ăn phải dư lượng hóa chất này khi tiêu thụ các sản phẩm đó.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố có bằng chứng cho thấy một số loại thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi trên thế giới có thể gây ung thư. Ví dụ, thuốc trừ sâu glyphosate được coi là chất có thể gây ung thư, cũng như là một nguồn gây đột biến gene, làm mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể gây ra một loạt bệnh tật.
Thuốc trừ sâu còn chứa chất gây rối loạn hormone, ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố bằng cách bắt chước hoặc ngăn chặn các hormone tự nhiên của cơ thể. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sức khỏe nam giới của Mỹ cho thấy, thuốc trừ sâu chứa các chất gây rối loạn hormone (methyl bromide và organochlorines) tồn tại trong cơ thể làm tăng khả năng phát triển các bệnh ung thư nhạy cảm với hormone như ung thư vú, buồng trứng, tử cung và tuyến tiền liệt. Những người sản xuất hoặc sử dụng hóa chất này có nguy cơ phát triển hoặc chết vì ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 4 lần.
Theo một số chuyên gia thực phẩm của Mỹ, những loại thuốc trừ sâu có trong thực phẩm cũng là một phần nguyên nhân gây ra béo phì vì chúng ưu tiên chuyển đổi calo thành chất béo. Khi một người hấp thụ nhiều hóa chất hơn mức cơ thể có thể xử lý và thải ra ngoài, chúng sẽ được lưu trữ trong các mô mỡ.
Một thành phần chính trong phân bón hóa học là nitơ, chuyển hóa thành nitrat được tìm thấy trong một số loại trái cây, rau quả, nước uống. Sự gia tăng tích lũy của nitrat trong thực phẩm có liên quan đến sự gia tăng ung thư tuyến giáp, các bệnh ung thư nhạy cảm với hormone (ung thư vú, tử cung, buồng trứng và tuyến tiền liệt).
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, các hormone tăng trưởng được sử dụng cho vật nuôi hoạt động như các chất gây rối loạn hormone trong cơ thể người cũng làm tăng khả năng phát triển các bệnh ung thư nhạy cảm với hormone.
Bên cạnh hạn chế tiếp xúc với hóa chất gây nguy cơ ung thư, thực phẩm hữu cơ còn có giá trị dinh dưỡng cao hơn thực phẩm không hữu cơ. Tuy nhiên, thực phẩm hữu cơ thường không phải lúc nào cũng có sẵn ở mọi siêu thị và thường đắt hơn các sản phẩm không hữu cơ.
Mai Cát
(Theo Verywell Health)