Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha - Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, bên cạnh chiều cao, cân nặng, nhiều mẹ đưa con đến khám quan tâm về chế độ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển trí não. Mỗi trẻ thường sẽ được chỉ định chế độ ăn phù hợp theo cá thể hóa. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là ăn đúng loại thực phẩm cung cấp dưỡng chất cần thiết cho não phát triển, giúp bé duy trì chức năng thần kinh, tăng cường chú ý, nhanh nhẹn, tăng trí nhớ, năng suất học tập cao hơn.
Rau lá xanh: Rau bina, lá rau mùi, lá mù tạt, lá chùm ngây, lá củ dền... đều là thực phẩm giàu vitamin, chất chống oxy hóa, khoáng chất, chất xơ. Vitamin A, B, E, K và C cùng với beta-carotene và folate giúp phát triển trí não thích hợp, hữu ích ở trẻ nhỏ, hỗ trợ sức khỏe tương lai của bé. Những thực phẩm này giúp phát triển đường ruột vì chúng giàu chất xơ, có hàm lượng chất béo thấp, giúp trẻ tăng hấp thụ chất dinh dưỡng. Hàm lượng folate trong rau xanh có tác dụng tốt đối với trí não của trẻ đang phát triển.
Ba mẹ có thể chế biến món ăn từ rau xanh đẹp mắt, giúp trẻ ngon miệng như: cơm thịt bò trộn cải bó xôi, cải bó xôi xào dầu hào, canh cải bó xôi thịt bằm, canh cải bó xôi nấu với tôm, cải bó xôi trộn, cháo cá hồi cải bó xôi. Phụ huynh chế biến rau xanh bằng cách luộc, trộn gỏi, salad, với cá hoặc trứng... là những lựa chọn lành mạnh cho trẻ ăn hàng ngày.
Trứng và cá: Trứng và cá là hai thức ăn giàu đạm, canxi, vitamin, khoáng chất. Bộ não con người được tạo thành từ chất béo như axit béo omega-3 và DHA chủ yếu được tìm thấy trong lòng đỏ trứng, các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá cơm... Trứng và cá có nhiều protein, vitamin B6, B12 và D giúp tăng cholesterol tốt, duy trì thị lực, tăng tốc độ trao đổi chất. Những thực phẩm này xây dựng não, tế bào thần kinh, do đó cải thiện khả năng học tập, trí nhớ.
Ba mẹ có thể cho trẻ thưởng thức món ăn như bánh trứng chay, trứng cuộn, chả cá, cơm cuộn cá hồi, cốt lết cá, trứng bác.... ít nhất 4 lần trong một tuần.
Bột yến mạch: Thực phẩm chủ yếu tiêu thụ dưới dạng cháo chứa nhiều chất xơ, có chỉ số đường huyết thấp, giúp giảm cholesterol lành mạnh. Bột yến mạch thường dùng trong bữa ăn sáng, đáp ứng nhu cầu năng lượng hàng ngày, đặc biệt là trẻ em. Đây là loại thực phẩm cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho cơ thể, não bộ, giúp trẻ tỉnh táo. Yến mạch giúp làm giảm táo bón, thúc đẩy vi khuẩn lành mạnh trong ruột.
Trẻ em thường không thích mùi vị của yến mạch nhưng vị giác của bé có thể được phát triển bằng cách kết hợp một số thành phần sáng tạo. Ba mẹ chế biến yến mạch thành thanh socola yến mạch, sinh tố yến mạch-chuối, bánh kếp yến mạch, súp yến mạch-nấm, súp kem yến mạch, bánh yến mạch-óc chó cho trẻ.
Quả mọng: Các loại trái cây như dâu đen, việt quất, dâu tây, anh đào đỏ là nguồn cung cấp anthocyanins và các flavonoid khác giúp hỗ trợ chức năng ghi nhớ. Đây là những loại trái cây giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, chống lại chứng viêm. Vitamin C có trong quả mọng giúp trẻ hấp thụ sắt tốt. Quả mọng cũng có hàm lượng canxi, kali, phốt pho, kẽm, magie.
Ba mẹ có thể chế biến dâu tây lắc, sinh tố việt quất, quả đấm hỗn hợp, mãng cầu trộn trái cây, sữa chua quả mọng... là một số món ngon để thưởng thức trong thói quen ăn uống hàng ngày của trẻ.
Các loại hạt: Quả hạch, hạt và trái cây khô có nhiều chất béo lành mạnh, một số khoáng chất, vitamin. Quả óc chó cũng giúp tăng cường trí nhớ bằng cách cung cấp axit béo omega-3.
Lạc, hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt điều đều chứa chất dinh dưỡng giúp cung cấp năng lượng tức thì và liên tục cho não để hoạt động tốt hơn. Hạt bí ngô, hạt chia, hạt vừng, hạt hướng dương, hạt lanh đều giàu chất xơ, giúp nuôi dưỡng làn da, có tác dụng chống viêm giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, phát triển khả năng nhận thức của trẻ.
Cũng theo bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, cơ thể trẻ em phát triển sẽ cần những chất dinh dưỡng giúp tăng cường trí não, phát triển toàn diện. Ba mẹ cần duy trì sự cân bằng, đa dạng loại thực phẩm cho con tiêu thụ hàng ngày, duy trì thời gian thích hợp giữa các bữa ăn, giữ cho cơ thể trẻ đủ nước, có môi trường vui vẻ ở nhà để bé phát triển, học tập tốt.
An Bình