Theo thầy thuốc nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome; nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Phụ nữ tăng cân trong thai kỳ là chuyện bình thường, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự tăng trưởng của thai nhi. Theo đó, một thai phụ có cân nặng bình thường trước khi mang thai được khuyến nghị tăng thêm ở mức 10-12 kg trong thai kỳ. Nếu tăng cân quá mức, nguy cơ gặp phải các biến chứng cho cả mẹ lẫn con có thể xảy ra.
Để xác định mẹ bầu có nguy cơ thừa cân trong thai kỳ hay không, cần kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) trong lần khám thai đầu tiên ở tam cá nguyệt thứ nhất. Thông thường, những mẹ có nguy cơ cao bị thừa cân khi mang thai sẽ có BMI trước khi mang thai từ 23 trở lên. Trường hợp BMI dưới 18.5 là thiếu cân, còn BMI trên 18.5, dưới 23 là bình thường.
Sau khi xác định tình trạng dinh dưỡng, nếu bị thừa cân béo phì thì trong thai kỳ mẹ bầu chỉ cần tăng thêm khoảng 15% cân nặng hoặc tăng từ 5 - 11,5 kg. Nếu thiếu cân thì mẹ bầu cần tăng thêm khoảng 25% cân nặng hoặc tăng từ 12,5 - 18 kg. Còn cân nặng trung bình thì cần tăng từ 10-12 kg trong thai kỳ (có thể tăng đến 16 kg).
Theo đó, từ tháng thứ 4 của thai kỳ, mẹ bầu nên tăng cân trong khoảng 1,5 -2 kg/tháng. Nếu tăng cân quá 3kg/tháng, mẹ bầu cần điều chỉnh chế độ ăn kịp thời. "Cần lưu ý rằng 'ăn cho 2 người' không có nghĩa là mẹ phải ăn gấp đôi, mà điều quan trọng là mẹ cần ăn đúng, ăn đủ, ăn hợp lý để không tăng cân quá mức gây nhiều hệ lụy cho mình và con", PGS.TS.BS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.
Hậu quả khi thai phụ tăng cân vượt chuẩn
Tình trạng tăng cân vượt chuẩn khuyến nghị trong thai kỳ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
Biến chứng ở mẹ
Đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ: thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ thường phải sinh mổ, em bé sinh ra có cân nặng cao hơn so với trẻ bình thường (trên 4 kg). Nguy hiểm hơn, thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai.
Tăng huyết áp: làm tăng nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ, lúc chuyển dạ và sau khi sinh. Tiền sản giật tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận đối với thai phụ, đồng thời làm tăng nguy cơ tiền sản giật trong những lần mang thai sau.
Trong thời kỳ hậu sản, những sản phụ béo phì khi sinh mổ sẽ có nguy cơ đông máu (huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tĩnh mạch, tắc mạch phổi) tăng cao gấp 30 lần trong 16 tuần sau khi sinh.
Biến chứng ở con
Dị tật bẩm sinh: mẹ thừa cân trong thai kỳ khiến con có nguy cơ cao bị khuyết tật ống thần kinh (NTD), dị tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục hay đường tiêu hóa.
Chấn thương trong lúc sinh: Thường gặp nhất là kẹt vai (do em bé quá to nên dễ kẹt phía sau xương mu của mẹ).
Nguy cơ béo phì: trẻ được sinh ra từ những người mẹ bị thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì trong tương lai. Chưa kể, trẻ khi lớn lên cũng có nguy cơ cao mắc tiểu đường.
Để phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn do thai phụ tăng cân quá mức, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai đưa ra lời khuyên, ngay từ khi có ý định mang thai và trong thời gian mang thai, phụ nữ nên đi khám dinh dưỡng nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe. Trên cơ sở đó chuyên gia dinh dưỡng sẽ thiết lập chế độ ăn uống, vận động hợp lý nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy đến với thai phụ trong suốt thai kỳ.
Lưu ý giúp mẹ bầu tăng cân đạt chuẩn
Nếu chỉ số BMI trước khi mang thai của mẹ nằm trên mức bình thường, hãy tuân thủ một số nguyên tắc dưới đây nhằm tránh nguy cơ tăng cân quá mức trong thai kỳ.
Mẹ nói "không" với tất cả các chế độ ăn kiêng: mang thai không phải là giai đoạn thích hợp để ăn kiêng. Việc hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể vì sợ tăng cân sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi. Do đó, thay vì cố gắng theo đuổi chế độ ăn kiêng, bạn cần hướng tới những thực đơn đủ chất nhưng không làm mình tăng cân quá nhiều.
Kiểm soát lượng calo nạp vào: những thai phụ thừa cân, béo phì không cần tăng thêm calo trong các bữa ăn hàng ngày trong 3 tháng đầu mà chỉ cần tăng thêm 300-450 calo mỗi ngày trong 6 tháng còn lại.
Làm bạn với chất xơ: hãy loại bỏ nguồn tinh bột đã qua tinh chế nhiều (đến từ gạo trắng, mì, nui, bánh mì trắng...) ra khỏi thực đơn hàng ngày, thay vào đó là thực phẩm giàu chất xơ (chẳng hạn như các loại rau củ quả, gạo lứt, bánh mì nâu, yến mạch, khoai lang...). Điều này không chỉ giúp mẹ kiểm soát cân nặng mà còn giảm thiểu tình trạng táo bón, đầy hơi vốn dễ gặp phải khi mang thai.
Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp: mẹ bầu cần có chế độ ăn đa dạng với lượng calo hợp lý theo nhu cầu, đặc biệt ưu tiên các loại thịt nạc, thịt gia cầm cùng các chất béo lành mạnh (như cá hồi, dầu thực vật...) - những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Ngoài ra, cũng cần loại ngay đồ ăn vặt cung cấp năng lượng rỗng chứa nhiều calo như khoai tây chiên, thức ăn nhanh, nước ngọt... ra khỏi thực đơn.
Uống nhiều nước: mẹ bầu cần uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, nhưng không có nghĩa là uống tất cả các loại nước bao gồm nước uống có ga, nước uống có đường, nước tăng lực... làm tăng lượng calo trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thức uống mẹ nên chọn là nước lọc, nước ép trái cây tươi.
Bổ sung vitamin trước và trong khi mang thai: mẹ bầu cần bổ sung axit folic, sắt, kẽm, canxi... theo khuyến nghị của bác sĩ để phòng tránh nguy cơ sức khỏe xảy ra với cả mẹ, bé sau này.
Vận động nhẹ nhàng: vận động nhẹ nhàng, hợp lý theo từng giai đoạn thai kỳ không chỉ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe mà còn giảm tình trạng táo bón, đau lưng, phù nề, đồng thời đem lại giấc ngủ ngon, tạo tiền đề cho quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi. Bạn hãy bắt đầu với 10 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần lên khoảng 30 phút/ngày với các môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga.
Kiến An