Theo đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội. Đây là khóa thứ 5 liên tiếp ông Nguyễn Phú Trọng ứng cử ở thủ đô.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu đến TP HCM, tương tự các Chủ tịch nước nhiệm kỳ gần đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại TP Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ ứng cử tại Đồng bằng sông Cửu Long; trong các nhiệm kỳ trước và gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ứng cử ở TP Hải Phòng thay vì Hà Tĩnh (vào đầu nhiệm kỳ Phó thủ tướng Huệ ứng cử tại Hà Tĩnh; khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Huệ chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Hà Tĩnh về Hà Nội).
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ứng cử tại Đà Nẵng (đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, trên cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông ứng cử tại Đồng Nai).
Các ứng viên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư được phân bổ về một số địa bàn, như: Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ứng cử tại Hòa Bình; Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ở Hậu Giang.
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm tại Hưng Yên; Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang ở Thái Nguyên; ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, tại Lào Cai; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ở Lâm Đồng; ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC, ở Bắc Giang; ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương ở Quảng Ninh; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN, Đại tướng Lương Cường ở Thanh Hóa; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, được giới thiệu ứng cử tại Tây Ninh; ông Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, ở Hà Tĩnh; ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, đến Thừa Thiên Huế; bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương, tại Đăk Lăk; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Nghệ An.
Khối Chủ tịch nước có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân ứng cử tại An Giang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ở Nam Định.
Khối Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ứng cử tại Kiên Giang; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại Vĩnh Long; Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan ở Đồng Tháp; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến Vĩnh Phúc; Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ở Quảng Trị; Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung ở Thanh Hóa; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại Yên Bái...
Ứng cử viên khối Quốc hội cũng đến các địa bàn khác nhau, hai Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định ở Thái Bình, Nguyễn Đức Hải ở Quảng Nam, và Thượng tướng Trần Quang Phương tại Quảng Ngãi. Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh ứng cử ở Lạng Sơn.
TP HCM là nơi được Trung ương giới thiệu người về ứng cử nhiều nhất với 13 ứng viên, Hà Nội có 12 người.
Hội nghị hiệp thương lần ba đã thông qua danh sách 205 người do các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tuy nhiên, danh sách giới thiệu đến các địa phương còn 203.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, hai người không có tên trong danh sách là Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, ứng cử khối Mặt trận (nghỉ vì lý do sức khỏe) và bà Phạm Thị Bích Ngọc (Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka) có đơn xin thôi ứng cử vì lý do gia đình.
Trong số các ứng viên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga là hai trong số các đại biểu lâu năm nhất, với 5 khóa liên tiếp; nếu trúng cử, hai bà sẽ là đại biểu Quốc hội khóa thứ 6.
Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 22/5/2021).