Sau hội nghị hiệp thương lần 3 lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, các ứng viên sẽ bắt đầu quá trình vận động để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình (dự kiến từ 28/4 đến 22/5).
Sáng 19/4, tại hội thảo "nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và việc thúc đẩy bình đẳng giới" khu vực phía Bắc, ông Trần Thanh Mẫn - Phó chủ tịch Quốc hội, đã chia sẻ kinh nghiệm vận động bầu cử. Theo ông, trong không khí dân chủ và dân trí ngày càng được nâng lên, những gửi gắm, mong muốn của lãnh đạo địa phương và cử tri nơi ứng viên đến vận động bầu cử sẽ cụ thể hơn, kỳ vọng cao hơn.
"Chương trình hành động của ứng viên cần ngắn gọn, trình bày chân thành, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ và thực sự vì lợi ích của nhân dân, qua đó để cử tri có nhiều thiện cảm, tin tưởng bỏ phiếu cho mình", ông Mẫn nói.
Từng ứng cử đại biểu HĐND ở cấp huyện, cấp tỉnh, tham gia Quốc hội hai khóa, ông Mẫn nhấn mạnh, việc tiếp xúc cử tri "hết sức quan trọng và đầy áp lực". Để giải tỏa áp lực này, điều đầu tiên ứng viên cần có là sự tự tin và gần gũi với người dân. "Khi xuống với cử tri, từ trang phục cho đến cách ăn nói cần phù hợp. Đây là điều rất quan trọng", ông Mẫn nói và cho hay, có ứng viên từng bị phản ánh là "che dù, che lọng, ăn mặc không phù hợp" khi đi vận động bầu cử.
Phó chủ tịch Quốc hội nói chương trình hành động của các ứng viên cần ngắn gọn, trình bày trong khoảng 5-7 phút vì "thời tiết nắng nóng mà mình nói tới 15 đến 20 phút là rất dài, khó tiếp nhận". Cùng với thuyết trình về việc "trúng cử sẽ làm gì", ứng viên cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần để trả lời thắc mắc của cử tri, ví dụ như "nếu không trúng cử thì làm gì?".
Ông Mẫn nêu thực tế, có nhiều người khi đi vận động bầu cử đã hứa sẽ thực hiện hàng loạt công việc, như xây trường học, dù những việc đó ngoài khả năng của họ. "Cái gì thực tế, thiết thực thì mình hãy hứa", ông nói
Theo ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), thông tư 13 của cơ quan này đã quy định rõ hình thức, nguyên tắc vận động bầu cử, trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
"Các ứng viên có thể thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri hoặc phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với người dân dự kiến chương trình hành động của mình", ông Vượng nói và cho hay việc này phải đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản là dân chủ, công khai, bình đẳng; người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào sẽ vận động tại đơn vị đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên không được vận động cho người ứng cử.
"Trong điều kiện công nghệ hiện nay, người ứng cử có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội", ông Vượng nói.
Theo quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo công việc liên quan ở địa phương; kinh phí vận động bầu cử được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước.
Ngày 23/5, công dân từ 18 tuổi sẽ bầu cử Quốc hội khóa XV, tổng số đại biểu dự kiến là 500.