Câu chuyện Tân Hoàng Minh trúng đấu giá miếng đất vàng ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng rồi xin bỏ cọc đã để lại những hệ lụy tiêu cực cho thị trường. Một điều mà người ta có thể nhận thấy sau vụ việc này, chính là những bất cập trong quy định đấu giá hiện nay. Những kẽ hở vô tình tạo cơ hội cho nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu đẩy nâng mức giá lên cao một cách vô lý để tạo ra sốt đất, hòng trục lợi từ đó. Dó vậy, bài toán được đặt ra ở đây là cần hoàn chỉnh Luật Đấu giá theo hướng nhà đầu tư tham gia phải có trách nhiệm tài chính đảm bảo.
Muốn vậy, theo tôi, có thể siết chặt bằng cách nâng mức tiền cọc để ràng buộc bên trúng thầu. Hiện nay, theo khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá Tài sản 2016: "Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm (5%) và tối đa là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá". Tôi cho rằng, mức cọc này vẫn còn quá thấp khi so với những nguồn lợi mà doanh nghiệp thu được từ việc sốt đất. Thế nên, rất có thể, nhiều doanh nghiệp trúng thầu chấp nhận bỏ cọc mà vẫn không sợ lỗ.
Bên cạnh đó, trong trường hợp nhà đầu tư "trả giá" tài sản đấu giá cao hơn gấp nhiều lần (bất thường) so với giá khởi điểm, giống như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm mới đây, cần phải có hình thức chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá theo đúng quy định. Ở thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính có quy định "bảo lãnh thanh toán" nhằm ngăn chặn trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh mua chứng khoán trên sàn nhưng lại không có đủ năng lực tài chính. Lĩnh vực đấu giá đất cũng có thể tham khảo để áp dụng.
>> 'Tân Hoàng Minh hưởng lợi sau bỏ cọc'
Trở lại vụ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất vàng ở Thủ Thiêm, tôi cho rằng, chẳng doanh nghiệp nào dại dột làm vậy nếu không nhìn thấy lợi ích từ nó. Tân Hoàng Minh chấp nhận mất trắng 588,4 tỷ đồng tiền cọc, nhưng số lợi mà họ thu về chắc chắn còn lớn hơn nhiều con số đó. Nếu mức cọc không phải 20% mà là 50% giá trị tài sản, tôi tin sẽ không có chuyện "xù" tiền như vậy. Hoặc nếu các nhà quản lý có biện pháp yêu cầu doanh nghiệp chứng minh tài chính, đủ khả năng chi trả tiền trúng thầu, chúng ta sẽ không phải mệt mỏi đuổi theo họ để đòi tiền hay lo bị "bùng".
Việc đẩy giá bất động sản không chỉ gây ra ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản, khiến giấc mơ mua nhà ở của người dân càng trở nên xa vời... Do đó, câu chuyện bỏ cọc sau khi trúng thầu đất cần phải được xem xét trên dưới nhiều quy định của luật pháp. Thậm chí, có thể nghiên cứu bổ sung các hình thức xử phạt khi nhà đầu tư xin hủy hợp đồng đấu giá đất sau khi trúng thầu, ví dụ như cấm tham gia đấu thầu các lần tiếp theo.
Chỉ có siết chặt các quy định ràng buộc doanh nghiệp đấu thầu bất động sản, nâng mức phạt với các trường hợp bỏ thầu, chúng ta mới có thể ngăn chặn những chiêu trò gây lũng đoạn thị trường, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc tổ chức đấu giá đất. Thực tiễn cuộc sống đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần quản lý chặt hơn, đặc biệt là với thị trường bất động sản, bởi nó tác động rất lớn đến xã hội, nền kinh tế và đời sống của nhân dân. .
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.