Câu chuyện đánh thuế bất động sản để ngăn tình trạng đầu cơ, găm đất hay lướt sóng vẫn đang rất "nóng" trên bàn nghị sự tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/3. Hành vi trốn thuế trong giao dịch đất đai đang ngày càng nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn. "Đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất sẽ khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Giá đất đang cao có thể thấp xuống", đó là quan điểm của Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà.
Nhiều độc giả VnExpress cho rằng, đánh thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ là giải pháp ngăn chặn nạn đầu cơ:
Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Kiên: "Kinh nghiệm ở châu Âu đó là đánh thuế cao khi chuyển nhượng nhà đất. Điều đó sẽ ngay lập tức làm giảm nạn đầu cơ và giảm giá bất động sản. Thuế chuyển nhượng được tính vào khoảng 10% giá trị giao dịch và ngoài ra là thuế thu nhập cá nhân nếu thu lời từ việc mua đi bán lại. Làm vậy, không sợ người ta khai gian giá trị giao dịch, vì con số đó sau này sẽ liên đới tới nhiều giấy tờ khác như chứng minh thu nhập, thuế thu nhập cá nhân... Nói chung, theo tôi, cơ bản là phải áp thuế cao cho mỗi chuyển nhượng bất động sản thì thị trường sẽ lập tức được bình ổn ngay".
Ủng hộ mức thuế cao đánh thẳng vào những đối tượng găm đất đầu cơ, độc giả Jack Chen nêu quan điểm: "Tôi ủng hộ đánh thuế cao với những đối tượng đầu cơ bất động sản. Ở đây, chỉ nên nhắm vào những tay đầu cơ, buôn đất, mua đi bán lại trong một khoảng thời gian quá ngắn khiến giá đất tăng cao chóng mặt. Đâu mới là những đối tượng phải chịu thuế cao.
Ví dụ, năm đầu tiên mua nhà đất rồi bán ngay thì người đó sẽ phải đóng thuế cao trên giá trị chuyển nhượng (ngoại trừ những lý do hợp lý do như mở rộng sản xuất hay chữa bệnh... miễn là chứng minh người đó bán nhà để giải quyết việc gấp, loại trừ được yếu tố đầu cơ). Và cứ năm sau sẽ giảm dần theo tỷ lệ nhất định.
Thông thường, giới đầu cơ sang tay thì hiếm ai găm hàng quá một, hai năm, vì phải xoay vòng vốn để đầu cơ tiếp. Như vậy, chúng ta sẽ loại bỏ được một số lượng lớn người đầu cơ đất. Khi đó, dân đầu cơ sẽ không dám lợi dụng 'đòn bẩy tài chính', đi vay ngân hàng để mua găm đất chờ đẩy giá, vì chi phí khi đó sẽ bị 'đội lên' cao, rất khó để kiếm lời".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.