Thời gian gần đây, có thông tin nhiều vùng nông thôn trên cả nước xuất hiện tình trạng sốt đất. Gần đây, giá đất nông thôn tại các huyện tại Hà Tĩnh tăng gấp hai, ba lần so với năm trước, vậy mà ôtô của người dân vẫn nườm nượp đổ về để thăm dò mua. Tại đây, biển rao bán đất kèm số điện thoại được gắn vào cột điện hoặc sơn chi chít trên bờ tường, hàng trăm điểm giao dịch bất động sản mọc lên. Một lô đất ban đầu giá khoảng một tỷ đồng, sau đó được mua đi bán lại với giá đội lên gấp 4-5 lần. Đây rõ ràng là một hiện tượng bất bình thường.
Chẳng riêng gì Hà Tĩnh, tại Nghệ An quê hương tôi, tình trạng sốt đất tương tự cũng diễn ra vài năm nay. Giá đất ngày qua ngày cứ leo thang chóng mặt. Người dân quê tôi cứ cắt đất bán dần (dù chẳng phải nằm trong vùng quy hoạch, dự án gì cả). Giá một lô đất khoảng trăm m2 ở chỗ tôi (trong thôn xóm) giờ cũng gần khoảng trên dưới hai tỷ đồng, chẳng kém gì các thành phố lớn. Ấy vậy mà bán bao nhiêu cũng hết, người mua chủ yếu từ các nơi khác đến, họ mua để đấy chứ không ở. Giờ người dân quê tôi thậm chí chẳng còn đất để bán nữa.
Tôi cho rằng, những mùa mua gom đất tại các vùng nông thôn chủ yếu là những người có tiền, mua để đầu cơ, chờ tăng giá. Thú thật, những mảnh đất nông thôn ấy chẳng thể sản xuất được gì. Người dân thì cứ thấy giá cao là bán đất vô tội vạ. Họ không biết rằng sướng trước khổ sau. Đến đời con cháu họ, cần đất để ở cũng không có, chúng sẽ phải bỏ tiền mua lại chính miếng đất cha mẹ, ông bà đã bán khi xưa với cái giá chắc chắn đắt hơn rất nhiều lần. Cuối cùng tiền lại đổ về những kẻ đầu cơ tích trữ bất động sản.
Tất nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, việc sốt đất có thể đem lại lợi ích kinh tế tức thì cho bà con ở nông thôn nhờ việc bán đất, qua đó giúp đời sống kinh tế của địa phương tốt lên. Tuy nhiên, về lâu về dài, nó sẽ chẳng mang lại một tương lai tươi sáng nào cho tất cả. Khi giá đất bị thổi phồng, bán qua bán lại để kiếm lời, kinh tế sản xuất sẽ bị đình trệ, người dân địa phương sẽ lại sớm phải đối mặt với một viễn cảnh không còn đất cho thế hệ sau, lúc đó muốn mua cũng chẳng đủ tiền.
>> Thu thuế bất động sản thứ hai và bán hàng online
Tôi có nhiều anh chị em ra Hà Nội, TP HCM lập nghiệp. Họ rời đi khi quê nhà còn nghèo khó, mong tìm cơ hội đổi đời. Giờ đây, khi kiếm được chút vốn liếng, muốn về lại quê cha, họ thậm chí còn không mua nổi một mảnh đất để làm nhà vì giá đất đâu có thua gì trên thành phố. Ngày xưa cha mẹ họ bán đất tưởng được giá cao, ai dè giờ muốn mua lại thì giá đã tăng tới 4-5, thậm chí cả chục lần. Thế nên mới có câu chuyện dở khóc dở cười khi những đứa con xa quê giờ còn không mua nổi miếng đất ở quê nhà.
Nhiều khi nghĩ mà buồn, trong khi nước ngoài họ mua đất xây nhà, xí nghiệp, mở rộng sản xuất, nông nghiệp... phát triển kinh tế bền vừng, thì nhiều người Việt cứ ngày càng lạc hậu với vòng luẩn quẩn bong bóng bất động sản căng phồng, chỉ trực chờ vỡ vụn. Thế hệ sau này sẽ mua nhà ở thế nào khi câu chuyện đầu cơ, thổi giá nhà đất vẫn cứ bị thả nổi như bây giờ?
Gần đây, tôi thấy có nhiều người đề cập đến giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên. Đi kèm với đó là nhiều ý kiến phản đối ý tưởng này vì cho rằng nó sẽ bị giới đầu cơ đẩy thêm tiền thuế vào giá mua bán, cho thuê nhà đất. Riêng tôi lại không nghĩ như vậy. Việc tăng thuế nhà đất thứ hai chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Có thể dân đầu cơ bất động sản, những người thu gom nhà đất chờ tăng giá sẽ tìm cách đẩy phần gánh nặng sang cho người mua, người thuê. Nhưng khi giá quá cao, tính thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và trong cuộc chiến "thi gan" giữa người mua và kẻ bán, tôi tin những khoản nợ sẽ khiến giới đầu cơ phải chùn bước. Khi ấy, phần thắng sẽ thuộc về những người có nhu cầu mua nhà ở chính đáng.
Nhiều nước trên thế giới đã thành công với chính sách đánh thuế bất động sản thứ hai, thế nên tôi cho rằng chúng ta cũng hoàn toàn có thể tự tin vào kết quả tương tự. Đã đến lúc giá nhà đất phải bị kìm hãm. Hãy nhớ rằng, đầu cơ bất động sản, mua đi bán lại nhà đất không mang lại lợi ích gì cho kinh tế nước nhà, mà chỉ càng khiến người nghèo xa với giấc mơ nhà ở. Không làm ngay bây giờ thì còn chờ đến khi nào nữa?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.