Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Sốt đất và đánh thuế". Theo tôi, vấn đề cơ bản là chúng ta phải quản lý được tài sản từ đâu mà có, của ai, do ai, vì ai? Kế đến là minh bạch thu thuế, không phải kiểu cứ "nắm đầu kẻ có tóc" mà thu triệt để, trong khi bỏ rơi nhiều người giàu "không có tóc". Tôi thích cách khai tính thuế của Australia, Singapore, bất cứ chi phí hợp lý đều được kê khai nếu đủ giấy tờ, hóa đơn hợp pháp, lấy tổng thu nhập trừ chi phí sẽ là thu nhập còn lại để tính thuế, khi đó mới là đánh thuế đúng, đủ và chính xác.
Bất động sản cũng nên minh bạch công khai, áp dụng kỹ thuật số để quản lý tính thuế công bằng, ai đang nắm giữ mà không kinh doanh bất động sản thứ hai trở lên thì đánh thuế theo mức khác người cho thuê trọ, hoặc trồng trọt, hoặc làm xưởng sản xuất kinh doanh... Minh bạch và quản lý bằng công nghệ thông tin thì chúng ta mới đạt các mục tiêu, và đảm bảo tính thuế công bằng, bảo vệ và phát triển an sinh xã hội.
Tại sao ở Mỹ có căn nhà bán rẻ như cho? Vì tiền thuế cao hơn giá trị tài sản nhà đó, tiền phạt do xuống cấp mà không đủ tiền bảo trì thành nguy hại cho cộng đồng, đến khi tổng chi phí ăn vào tích lũy ngôi nhà thì chủ nhà phải bán, không thì nợ và phải đi tù. Cần phải như vậy, đánh thẳng tâm lý cứ giữ nhà, chẳng cần bảo trì, trống thì cho thuê, cao giá thì bán, vì thuế chẳng thấm với họ. Tiền phải được đưa vào nền kinh tế chứ không phải mua nhà để đó đợi lên giá bán. Đất không to lên, nó vẫn là đất, chỉ là kỳ vọng làm đất giá trị tăng thêm thôi.
>> Thu thuế bất động sản thứ hai và bán hàng online
Cứ hình dung bạn có từ hai bất động sản trở lên, có thể giá trị của chúng còn không bằng một bất động sản của người khác, nhưng bạn vẫn sẽ phải chịu thuế theo hệ số. Đơn giản vì không đưa đất vào nông nghiệp, sản xuất, không tạo ra sản phẩm, không sinh lợi cho xã hội, thì bạn giữ đất để làm gì? Thuế tài sản buộc bạn phải bán cho ai có tiềm lực sinh lợi, khi đó toàn xã hội có lợi, như thế vẫn tốt hơn một người găm đất rồi để đó chờ tăng giá bán. Luật thuế bất động sản thứ hai sẽ buộc những người có ý tưởng găm đất mà chẳng làm gì cả phải "nhát tay" khi tích lũy đất.
Chỉ có tạo ra vật chất cho xã hội thì mới có ích, còn dồn tiền vào đất rồi đợi lên giá thì chỉ có một mình bạn là có lợi, bán xong thì đất đó lại thành kỳ vọng người khác, xoay vòng như vậy có phải là đầu cơ không? Và trong cái vòng xoáy đó, có người nào khác có lợi ích ngoại trừ kẻ đầu cơ đất? Vậy tại sao không chặt ngay mắt xích đó, để kẻ đầu cơ cuối cùng phải gánh hậu quả là giảm kỳ vọng và bán đi cái thứ sẽ thành nợ về sau do chẳng cách nào sinh lợi thêm.
>> Đầu tư 'mù' giữa cơn sốt đất
Hiện tại, nếu đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên, chỉ sau một, hai năm thì người giữ tài sản sẽ hiểu là một phải bán ra hoặc cho thuê. Nếu tất cả những người đang giữ tài sản thứ hai trở lên bị thuế ăn dần vào tài sản thì họ phải cạnh tranh nhau cho thuê hoặc nhanh chóng bán ngay. Như vậy, nếu người đi thuê nhiều mà nhà thuê ít thì giá sẽ cao, nếu người thuê ít mà nhà nhiều thì giá buộc phải giảm. Còn nếu bán, nhiều người mua hơn số có thì nhà đất sẽ giữ giá hoặc tăng, nếu người mua ít thì người bán buộc phải giảm giá để bán. Quy luật thị trường cung cầu sẽ tác động toàn diện. Không còn cảnh cứ mua vài ba căn để đó rồi đợi lên giá mới bán.
Nếu có thuế bất động sản thứ hai trở lên, tôi tin sẽ giảm đi đáng kể số người đẩy tiền vào nhà đất. Thay vào đó họ sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng, tiền đó được đem cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất. Nói cách khác, tiền tạo ra sản phẩm vật chất mới là dòng tiền tốt cho xã hội, còn tiền mua nhà rồi bán để ăn chênh lệch thì ai đang lỗ và ai đang lời trong khi nhà cửa không có gia tăng gì thêm giá trị sau khi hoàn công. Cái thứ giá trị kỳ vọng tăng thêm là sản phẩm đầu cơ, nó không phải sản phẩm giúp cho cuộc sống thêm vật chất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.