Ngáy là kết quả của luồng khí bị hạn chế tạo ra âm thanh khi đi qua các mô đang thư giãn của mũi, khiến các mô rung lên khi thở trong lúc ngủ. Những người ngáy có thể trằn trọc vào ban đêm, thức dậy với cơn đau họng hoặc mệt mỏi vào ban ngày. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác.
Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp gây ngáy ngủ.
Nghẹt mũi: Cảm lạnh, vấn đề về xoang hoặc dị ứng có thể khiến luồng không khí bị tắc trong lúc ngủ.
Tư thế ngủ: Nằm sấp khi ngủ làm thu hẹp đường thở gây ra tiếng ngáy.
Mệt mỏi: Khi quá mệt mỏi, đường thở cần thư giãn trong lúc ngủ làm tăng khả năng ngáy.
Thuốc ngủ: Thuốc an thần, gồm cả thuốc hỗ trợ giấc ngủ, đôi khi khiến ngáy to khi ngủ.
Hút thuốc: Hút thuốc lá dẫn đến viêm đường hô hấp trên (sưng tấy) góp phần gây ra ngáy. Tần suất hút thuốc có liên quan đến tỷ lệ ngủ ngáy.
Uống rượu: Uống rượu trước khi đi ngủ có thể làm thư giãn đường hô hấp trên, dẫn đến tăng nguy cơ ngáy.
Ngưng thở khi ngủ: Ngáy là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ do đường hô hấp bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Ngưng thở khi ngủ có thể gây mệt mỏi vào ban ngày, nhức đầu và đau họng vào buổi sáng, kém tập trung, huyết áp cao.
Chỉ ngáy thôi thường không gây ra ngưng thở khi ngủ, nhất là thỉnh thoảng ngáy. Nhưng nếu có thêm các triệu chứng như ngáy to, ngừng thở hoặc nghẹt thở và thở hổn hển, người bệnh cần khám và điều trị.
Cân nặng quá mức: Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Mô mỡ thừa ở cổ có thể dẫn đến đường thở nhỏ hơn và hạn chế đường thở.
Mang thai: Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, mang thai kéo theo nhiều thay đổi trong cơ thể, từ chứng khó tiêu, ợ nóng đến mệt mỏi và khó ngủ. Một số thai phụ bị ngáy dai dẳng do tăng cân, thay đổi nội tiết tố, gia tăng lưu lượng máu dẫn đến giảm không gian đi qua mũi, tăng nghẹt mũi và khiến khó thở bằng mũi hơn.
Giải phẫu miệng, mũi: Hình dạng, kích thước của cấu trúc mũi và miệng có thể làm hẹp đường thở dẫn đến ngáy. Ví dụ, người bị lệch vách ngăn dễ ngáy hơn. Sự phát triển của polyp mũi, các vấn đề về hàm, lưỡi to, amidan hoặc mô ngay sau mũi cũng gây ngáy.
Bệnh lý: Suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp) cũng là nguyên nhân do một số triệu chứng của bệnh như tuyến giáp to. Các bệnh lý khác có thể gây ngáy như suy sinh dục (giảm testosterone), các hội chứng di truyền ảnh hưởng đến cấu trúc của khuôn mặt và hàm.
Hậu mãn kinh: Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, phụ nữ trung niên có nồng độ estrogen và progesterone thấp có nhiều khả năng ngáy và ngưng thở khi ngủ hơn phụ nữ trẻ.
Lão hóa: Tuổi già có liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ, lúc này các mô lưỡi và đường thở trở nên yếu hơn theo tuổi tác.
Giảm cân, hạn chế uống rượu, bỏ hút thuốc, điều chỉnh tư thế ngủ, hạn chế hoặc tránh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần giúp giảm ngáy.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |