Đau bàng quang có thể từ nhiễm trùng nhẹ đến tình trạng nghiêm trọng như ung thư. Các triệu chứng có thể là khó chịu ở vùng bụng dưới, nóng rát khi đi tiểu. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng này.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến hơn ở phụ nữ. Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ, niệu đạo nữ gần với những khu vực có vi khuẩn tự nhiên hơn như hậu môn, âm đạo, ngắn hơn niệu đạo của nam giới nên dễ nhiễm trùng.
Phụ nữ trẻ có xu hướng mắc các bệnh nhiễm trùng tiết niệu nhiều hơn khi quan hệ tình dục. Tỷ lệ nhiễm trùng tiểu cao nhất trong độ tuổi từ 18 đến 39. Ở phụ nữ trẻ, đau bàng quang là triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng tiểu, đi kèm đi tiểu thường xuyên và đau khi tiểu.
Phụ nữ lớn tuổi cũng dễ bị nhiễm trùng tiểu sau mãn kinh, khi nồng độ hormone estrogen trong âm đạo giảm xuống, mô âm đạo mỏng đi. Các triệu chứng ở phụ nữ lớn tuổi thường gồm đau cơ, đau bụng, mệt mỏi, suy nhược.
Nhiễm trùng có thể tự khỏi mà không cần điều trị hoặc bác sĩ kê thuốc kháng sinh làm tăng tốc độ chữa lành và giảm nhanh triệu chứng khó chịu. Uống thêm nước thúc đẩy đi tiểu thường xuyên hỗ trợ cải thiện nhiễm trùng.
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là bệnh mạn tính gây ra những cơn đau ở vùng chậu, căng tức bàng quang. Người bệnh thường phải đi tiểu liên tục và khẩn cấp, cảm giác này có thể xảy ra đến 60 lần một ngày. Kinh nguyệt có xu hướng làm cơn đau bàng quang trầm trọng hơn.
Các yếu tố có thể gây ra các triệu chứng viêm bàng quang kẽ bùng phát như căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống, dị ứng, dùng một số loại thuốc. Lựa chọn điều trị bệnh này thường là phẫu thuật, dùng thuốc, vật lý trị liệu.
Thay đổi trong hệ thống sinh sản
Đau bàng quang ở phụ nữ có thể là kết quả của việc da âm đạo mỏng đi, được gọi là teo cơ và phổ biến nhất ở thời kỳ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh. Do mãn kinh làm mất đi lượng estrogen của các mô xung quanh âm đạo. Khi nồng độ estrogen suy giảm, các mô của âm đạo co lại và mỏng hơn. Dùng thuốc, kem bôi estrogen âm đạo giúp giảm triệu chứng.
Rối loạn chức năng sàn chậu
Rối loạn chức năng sàn chậu như căng cứng hoặc co thắt các cơ vùng chậu, thường xảy ra kèm theo đau bàng quang và có thể làm cho cơn đau nặng hơn. Người mắc bệnh này có thể không thể phối hợp các cơ này một cách chính xác để đi đại tiện. Các triệu chứng gồm táo bón, căng thẳng khi đi đại tiện, rò rỉ nước tiểu hoặc phân, thường xuyên phải đi tiểu.
Đau vùng chậu có thể do lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu hoặc u nang buồng trứng. Các vấn đề về đường tiêu hóa như bệnh viêm ruột, Crohn, viêm loét đại tràng đôi khi là nguyên nhân khiến đau vùng chậu.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang rất ít gặp, nhất là ở phụ nữ. Triệu chứng phổ biến nhất là có máu trong nước tiểu, một số phụ nữ có cảm giác đau, rát khi đi tiểu. Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang gồm phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp miễn dịch.
Khi đau bàng quang, người bệnh nên đi khám và điều trị theo chỉ định, không tự chẩn đoán và xử lý tại nhà.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |