Tiểu không tự chủ (són tiểu) là tình trạng nước tiểu rò rỉ không kiểm soát. Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tiểu không tự chủ tác động lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
ThS.BS Phan Đức Hữu, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dựa vào nguyên nhân, tiểu không tự chủ được chia thành 5 loại dưới đây.
Tiểu không tự chủ khi gắng sức là són tiểu khi ho, cười lớn, hắt hơi, mang vật nặng, chạy, nhảy, chơi thể thao... Tình trạng này xảy ra do cơ sàn chậu suy yếu, không còn đủ khả năng nâng đỡ bàng quang, niệu đạo. Khi đó, các hoạt động làm tăng áp lực trong bụng tác động đến bàng quang, gây rò rỉ nước tiểu. Phụ nữ sau sinh hoặc nam giới tiền sử phẫu thuật tuyến tiền liệt thường gặp dạng này.
Tiểu gấp không tự chủ đặc trưng bởi biểu hiện cơn buồn tiểu xuất hiện đột ngột, dữ dội, cần đi tiểu ngay lập tức mà người bệnh không thể kiểm soát. Nguyên nhân là do cơ bàng quang hoạt động quá mức (bàng quang tăng hoạt), người bệnh mất kiểm soát thần kinh (đột quỵ, bệnh Parkinson, Alzheimer...), nhiễm khuẩn đường tiểu, phụ nữ mãn kinh, người thừa cân béo phì, dùng nhiều đồ uống lợi tiểu (trà, cà phê, bia, rượu).
Tiểu không tự chủ do tràn nước tiểu là tình trạng nước tiểu rò rỉ không kiểm soát từ bàng quang bị căng quá mức, do cơ bàng quang co bóp kém hoặc tắc nghẽn đường ra bàng quang. Các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như chấn thương tủy sống, bệnh đa xơ cứng, tiểu đường... ảnh hưởng đến khả năng co bóp của cơ bàng quang. Tắc nghẽn đường ra của bàng quang có thể do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.
Tiểu không tự chủ hỗn hợp là khi người bệnh cùng lúc mắc hai dạng tiểu không tự chủ khi gắng sức và tiểu gấp không kiểm soát. Phụ nữ mang thai, nam giới phẫu thuật tuyến tiền liệt, người lớn tuổi dễ gặp phải vấn đề này.
Tiểu không tự chủ chức năng là tình trạng nước tiểu rò rỉ không chủ đích do các rào cản về môi trường bên ngoài đối với việc đi tiểu, như mắc bệnh gây khó đi tiểu.
Tiểu nhiều lần, tiểu gấp, són tiểu... ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tâm lý người bệnh. Tiểu không tự chủ lâu ngày làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm nhiễm da liễu. Bác sĩ Đức Hữu khuyến cáo người bệnh cần đến chuyên khoa Tiết niệu để được khám, xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |