Vựa cà rốt sạch hàng trăm ha tại Hải Dương
Nhờ nguồn phù sa dinh dưỡng từ sông Thái Bình cùng quy trình trồng an toàn; cà rốt Đức Chính, Hải Dương không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất ra nước ngoài.
Xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng là địa phương có truyền thống nông nghiệp lâu đời của tỉnh Hải Dương. Trước đây, bà con chuyên trồng lạc, ngô nhưng do năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà rốt.
Dự án trồng cà rốt an toàn được người dân Đức Chính triển khai từ năm 2007. Sau 10 năm thực hiện, tới nay, địa phương này trở thành một trong những vựa cà rốt sạch lớn nhất miền Bắc. Để có được thành quả đó, chính quyền cùng người dân đã chung tay phát triển các vùng chuyên canh cà rốt, tập trung ở nơi đất bãi được bồi đắp lượng phù sa màu mỡ từ sông Thái Bình.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương còn thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Qua đó, người dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ kém hiệu quả để áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và an toàn hơn.
Cánh đồng cà rốt rộng lớn vào vụ thu hoạch. Ảnh: Bizmedia. |
Để chuẩn bị gieo trồng rà rốt, đầu tiên, người trồng phay đất thật nhỏ, tơi rồi mới tiến hành lên luống. Độ cao luống đạt khoảng 20-25cm. Sau đó, người dân rắc đều phân chuồng hoai mục lên mặt luống và phủ lớp rơm rạ mỏng lên trên. Hạt giống sau khi ngâm được trộn với vôi bột và tỉa theo luống.
Để sản xuất cà rốt an toàn, trong quá trình canh tác, bà con không sử dụng phân tươi, nước giải tươi để bón hoặc tưới cho cây mà dùng nước sạch, đảm bảo. Người dân cũng không lạm dụng phân vô cơ hay thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây, thay vào đó, chỉ dùng vôi bột và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để diệt nấm, sâu bệnh.
Cà rốt sau thu hoạch được đưa tới nhà máy chế biến để làm sạch và đóng gói. Ảnh: Bizmedia. |
Cà rốt Đức Chính phát triển trong môi trường tự nhiên thuận lợi, không chứa hóa chất độc hại nên màu sắc kém bắt mắt, thiếu bóng bẩy, tuy nhiên chất củ lại rất giòn và ngọt. Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thương lái đến tận đồng ruộng thu mua, giúp bà con tiết kiệm chi phí và yên tâm sản xuất. Ngoài ra, người dân cũng mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc sơ chế và đóng gói cà rốt, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Vụ thu hoạch cà rốt của bà con Cẩm Giàng, Hải Dương.
Năm 2016, diện tích cà rốt trên địa bàn xã là 320 ha, cho năng suất 47 tấn trên một ha. Vụ đông 2016-2017, toàn xã Đức Chính trồng khoảng 360 ha, đã thu hoạch trên 95%. Đây cũng là xã có diện tích trồng cà rốt lớn nhất tỉnh. Mỗi năm, Đức Chính cung cấp hàng nghìn tấn cà rốt sạch tới người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, sản phẩm cũng được phân phối ở nhiều thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia...
Hải Hà