Thứ ba, 7/1/2025
Thứ bảy, 13/1/2018, 10:00 (GMT+7)

'Thủ phủ' trồng thanh long của Việt Nam

Bình Thuận hiện trồng 22.000 ha thanh long, chiếm hơn 70% tổng diện tích thanh long cả nước.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, toàn quốc có 32 tỉnh thành trồng thanh long. Trong đó, "thủ phủ" của trái thanh long ở Bình Thuận, mỗi năm cung cấp gần 500.000 tấn ra thị trường. Huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc là nơi có diện tích trồng lớn nhất tỉnh.

polyad

Thanh long chín đỏ ở Bình Thuận. Ảnh: Bizmedia

Trước khi Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu giống thanh long cho quả tròn, to, ngọt như hiện nay cho nông dân Bình Thuận, thì thanh long bản địa vẫn là loại quả dại, chua và nhỏ. Cây đã có mặt ở đây từ lâu đời, người dân địa phương cũng lưu truyền nhiều tích truyện khác nhau.

Tương truyền, năm 1794, quân Tây Sơn vây đánh, hoàng tử Cảnh - con cả của vua Gia Long giữ thành Diên Khánh. Trong lúc thiếu thốn lương thực, dân tiếp tế cho binh lính của hoàng tử loại trái cây ngon ngọt nhưng hình dáng lạ thù. Lúc ấy vừa hay tin vua cha đem quân tiếp ứng, hoàng tử cho rằng loại trái cây này mang lại điềm tốt, nên đặt tên quả là thanh long. Thức quả trồng ở vùng Diên Khánh xưa thường căng tròn, ngọt thanh, da đỏ tía, mày xanh đậm.

Tích khác kể lại rằng, đầu thế kỷ XX, vị tỉnh trưởng Phan Thiết trong chuyến sang châu Mỹ đã mang nhánh cây này về trồng làm cảnh, vì cây thuộc họ xương rồng, cho bông và trái đẹp. Quả thanh long ban đầu không ai biết ăn, tưởng có độc nên đổ bỏ. Người dọn vườn thấy gà ăn quả không chết, đánh liều ăn thử thì thấy quả có vị thơm ngon. Mãi sau năm 1975, giao thương phát triển hơn, thanh long bán nhiều ở chợ, được nhiều khách thập phương thích thú. Từ đây, thanh long bắt đầu được nhân rộng.

Dân gian còn lưu truyền sự tích, trước kia thanh long mọc dại ở vùng đất này, quả nhỏ, ăn hơi chua. Nhờ hoa và quả đẹp nên được trồng làm cảnh. Có lão nông ở Hàm Thuận Bắc nhân dịp Tết, thấy quả thanh long đẹp mã mới cắt vào trưng. Qua mấy ngày, khi lấy trái xuống ăn, thấy vị ngọt mát. Từ đấy, người Bình Thuận mới biết trái thanh long để sau vài ngày thì không còn chua.

Vựa thanh long nửa triệu tấn mỗi năm ở Bình Thuận

'Thủ phủ' trồng thanh long của Việt Nam
 
 

Tại Bình Thuận, hiện nông dân canh tác nhiều giống thanh long ruột đỏ, trắng,  tím hồng. Ngoài ra, còn có cả thanh long vàng được chuyển giao từ nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam.  

Thị trường truyền thống chủ yếu là nội địa và Trung Quốc. Vài năm gần đây, nhờ chính sách xúc tiến thương mại, thanh long Bình Thuận bắt đầu xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường khó tính hơn như Australia…

Thanh long có thể trồng bằng hạt nhưng lâu cho quả nên nhà vườn chủ yếu nhân giống vô tính bằng hom (một đoạn dây thanh long). Sau khoảng 3-4 tháng đặt hom, cây bắt đầu leo lên trụ. 8 tháng tiếp theo, cây bắt đầu ra hoa. Nụ hoa phát triển 2 tuần thì nở. Hoa thanh long thường nở từ 19h nên còn được gọi là “hoa mặt trăng”.  

Thời điểm thụ phấn, đậu quả thường vào mùa mưa. Từ khi ra nụ đến khi quả chín mất khoảng 1,5 tháng. Để quả thanh long to, mập, người làm vườn cần vặt bỏ bớt lượng hoa nhất định, giữ lại 1-2 quả trên mỗi dây. Thanh long thuận vụ cho 6-8 lứa quả.

Tuổi thọ của cây thanh long từ 20 đến trên 100 năm. Sau một năm trồng, thanh long bắt đầu ra bói. Từ năm thứ 3-4 trở đi, cây cho năng suất cao, ổn định. Để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm cho cây, nông dân ủ gốc bằng rơm, đồng thời tỉa bớt những dây không cho trái, bị sâu, nấm.

Ngày nay, nông dân thúc cây thanh long ra trái nghịch vụ, nâng sản lượng lên thêm 3-6 lứa bằng cách chong đèn. Bí quyết này do một người nông dân nuôi thả vịt tại Hàm Thuận Bắc tình cờ phát hiện ra cách đây hơn chục năm. Buổi tối, ông lùa vịt vào chuồng giữa các trụ thanh long, thắp đèn sưởi ấm thâu đêm. Sau một tháng, thanh long quanh chuồng vịt bỗng trổ hoa kết trái. Từ đó, kỹ thuật chong đèn cho thanh long ra trái nghịch vụ bắt đầu được lan truyền.

polyad

Chong đèn cho thanh long buổi đêm. Ảnh: Bizmedia

Đến Bình Thuận vào thời điểm nghịch vụ thanh long, khách sẽ bắt gặp những khu vườn sáng rực như ban ngày. Với 500 trụ, nông dân lắp khoảng 500 bóng trong 10-20 ngày liên tục, chong đèn khoảng 3 tháng một lần, mỗi năm cho thu hoạch đến 12 vụ.

Quả thanh long chín nặng 150-200gr, có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu canxi, magie và vitamin B, C. Ngoài tiêu thụ trái tươi, người dân còn sấy khô, làm rượu, giấm, mứt, nước ép thanh long…

Thương hiệu Thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam và xuất khẩu hơn 36 quốc gia trên thế giới.

polyad

Quả Pitaya - họ hàng với thanh long nhưng vỏ quả có gai.  

Cây thanh long ưa nắng nóng, giỏi chịu hạn nên sinh trưởng tốt ở vùng có khí hậu bán sa mạc. Loài cây này được trồng ở nhiều ở Nam Mỹ và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia… 

Thanh long (tên khoa học là Hylocereus undatus) thuộc chi thanh long (Hylocereus), họ xương rồng (Cactaceae). Theo hình dáng, đặc điểm, chúng còn có nhiều tên gọi khác như Strawberry pear, Night-blooming cereus, Belle of the Night, Cinderella plan, Dragon fruit, Pitahaya.

Tên gọi Dragon fruits phổ biến hơn cả, xuất phát từ hình dáng cây và quả, gợi liên tưởng đến biểu tượng con rồng trong văn hóa nhiều nước châu Á. Tại Mexico, thanh long được gọi là Pitahaya để phân biệt với Pitaya – loại cây khác cùng họ xương rồng có hoa và quả ăn được. Tên gọi Pitahaya cũng được sử dụng ở Tây Ban Nha để gọi vài loài thuộc họ xương rồng nhưng thân cao và ra hoa, kết quả.

Hải Anh

Chia sẻ bài viết qua email