Thứ ba, 24/12/2024
Thứ ba, 3/4/2018, 14:00 (GMT+7)

Thu nhập gấp 10 lần trồng lúa nhờ đinh lăng

Đinh lăng có thể chế biến thành cao, trà, rượu, gối lá... cho hiệu quả kinh tế gấp 10 lần trồng lúa. 

Theo sách Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, đinh lăng còn có tên gọi là nam dương lâm, thuộc họ ngũ gia bì. Cây ưa sáng nhưng chịu được bóng, sinh trưởng tốt ở nhiều nơi từ Bắc vào Nam. Từ năm 1985, các nguyên cứu của Viện Quân y đã tìm ra nhiều hoạt chất quý trong cây đinh lăng có khả năng chữa bệnh.

Thu nhập gấp 10 lần trồng lúa nhờ đinh lăng

Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương đã mạnh dạn trồng đinh lăng, khai thác và chế biến thành các chế phẩm như cao, trà thảo mộc... Một số nơi như Bà Rịa Vũng Tàu, Thái Bình... còn nhân trồng thành vùng chuyên canh rộng lớn.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Hợp tác xã Long Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu), đinh lăng có tính thảo mộc, ít sâu bệnh, nên không cần chăm sóc nhiều. Quan trọng nhất là giữ cho đất tơi xốp để cây phát triển bộ rễ nhiều hoạt tính dược học.

Hợp tác xã Long Hải thành lập được hơn một năm, song đã trồng thành công cây đinh lăng và liên kết được với đơn vị thu mua, theo giá ổn định 80.000-100.000 đồng mỗi cây. Hiện bà con đang khai thác lá đinh lăng khô, củ và rễ chiết suất thành cao.

Mô hình trồng đinh lăng tại Bà Rịa Vũng Tàu

Tiềm năng kinh tế của cây đinh lăng Việt
 
 
 

Sau nhiều năm tìm tòi về giá trị của cây đinh lăng, ông Đỗ Văn Vang (huyện Kiến Xương, Thái Bình) cũng liên kết với bà con các huyện lân cận trồng và thu mua nguyên liệu chế biến thành cao, rượu, trà.

Ông Vang cho biết, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, đinh lăng có thể cho hiệu quả kinh tế gấp trồng lúa tới 10 lần. Cây ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt không bị gió bão tàn phá như hoa màu.

Mô hình trồng đinh lăng tại Kiến Xương, Thái Bình

Đinh Lăng Thái Bình
 
 

Ông Vang chọn khai thác giống đinh lăng nếp, đạt ít nhất 3 năm tuổi trở lên. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy tách chiết và sản xuất cao đinh lăng theo quy trình khép kín để giữ lại tối đa hàm lượng acid amin, nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Lão nông có phương pháp ngâm ủ riêng để bảo quản đinh lăng nguyên liệu, chống ẩm mốc, chống thối trong điều kiện thời tiết không đủ nắng phơi khô. Để ra được quy trình sản xuất chuẩn, ông phải đem sản phẩm lên Hà Nội xét nghiệm nhiều lần, đến khi đạt chất lượng và hàm lượng như mong muốn.

Ngoài cao đinh lăng, ông Vang dự kiến sẽ làm thêm các sản phẩm về trà, gối lá đinh lăng khô… để đáp ứng thêm thị hiếu người dùng.

Phương Mai

Chia sẻ bài viết qua email