Quýt đường được giá nhờ cắt giảm các khâu trung gian
Thông qua hợp tác xã quýt đường Long Trị, các nhà vườn có thể bán thẳng cho khách hàng, không thông qua thương lái nên giá bán tăng mạnh, hạn chế tình trạng ép giá.
Quýt đường có mặt ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) từ hơn nửa thế kỷ trước. Với ưu điểm vỏ mỏng, màu vàng đẹp mắt, vị thanh ngọt, quýt đường Long Trị được nhiều người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn.
Dù có giai đoạn, quýt đường bị bệnh vàng lá gân xanh tấn công khiến nhiều nhà vườn phải đốn bỏ số lượng lớn, thế nhưng sau nhiều năm, những vườn quýt đường đã khôi phục và dần khẳng định thương hiệu nhờ chất lượng quả thơm ngon. Vài năm trở lại đây, phong trào trồng quýt đường ở Long Trị lại phát triển rầm rộ. Thời gian đầu, do thị trường tiêu thụ tại các khu vực trong địa bàn tỉnh khá thuận lợi nên với sản lượng hàng chục tấn quýt mỗi năm, mỗi nhà vườn Long Trị có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, do các nhà vườn liên tục mở rộng diện tích trồng quýt một cách tự phát nên thị trường tiêu thụ bắt đầu lắng xuống. Cùng với đó, nhiều hộ bắt đầu du nhập các giống không rõ nguồn gốc khiến chất lượng quả sau thu hoạch không đồng đều. Lúc đó, ngoài một phần bán lẻ, sản lượng quýt của các nhà vườn chủ yếu được tiêu thụ qua kênh thương lái nên bà con liên tục bị ép giá.
Nhờ cắt giảm được các khâu trung gian qua thương lái nên giá bán quýt được tăng lên nhiều so với khi còn sản xuất riêng lẻ. Ảnh: hoanghungfarm. |
Nhận thấy khó khăn của nhà vườn cũng như hậu quả của việc canh tác tự phát, năm 2012, ông Nguyễn Văn Út - một nhà vườn trong vùng chủ động đứng ra tổ chức liên kết các hộ trồng quýt thành một nhóm và thành lập hợp tác xã Quýt đường Long Trị dưới sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang, Sở Công Thương. Lúc đó, hợp tác xã có 21 thành viên, số vốn góp là 200 triệu đồng, hoạt động vì mục tiêu gìn giữ và phát triển giống quýt đặc sản của địa phương.
Các thành viên của hợp tác xã đa phần là nông dân nên việc quản lý, kỹ thuật chăm sóc cây đúng quy chuẩn còn hạn chế. Do vậy, để khắc phục những khó khăn này, mọi người không ngần ngại học hỏi các biện pháp kỹ thuật, cách thức quản lý từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công Thương của tỉnh. Sau đó, từ những kiến thức được tư vấn, các thành viên đem về áp dụng vào hợp tác xã.
Cùng với đó, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp... cũng phối hợp, tư vấn và hỗ trợ bà con tiến hành làm thí điểm mô hình trên cây cam, quýt để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây. Điều này cũng giúp bà con nắm vững kiến thức về kỹ thuật chăm sóc trên cây có múi, phòng chống bệnh vàng lá, thối rễ. Ngoài ra, các cơ quan còn phối hợp với một trường đại học tổ chức hội thảo về những vấn đề nêu trên nhằm giúp bà con đúc rút kinh nghiệm, nhất là trong khâu chọn giống có uy tín để phòng nấm bệnh và bảo đảm chất lượng.
Nhờ được tư vấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc đúng quy cách, đúng kỹ thuật, những vườn quýt đường của hợp tác xã phát triển tốt, chất lượng trái đồng đều, giá trị quả được nâng cao. Các khâu thông qua thương lái được cắt giảm, vì thế, đầu ra càng thuận lợi hơn.
Cụ thể, trước năm 2012, quýt đường được các thương lái đặt mua với giá 22.000-28.000 đồng một kg thì nhờ hợp tác xã, giá quýt lên tới 40.000-45.000 đồng một kg (mức giá tại vườn). Nếu bán tại chợ, có thời điểm giá quýt lên tới 60.000 đồng một kg.
Hơn 3 năm đi vào hoạt động, hợp tác xã quýt đường Long Trị giúp bà con nông dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Tháng 4/2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kết hợp với UBND huyện Long Mỹ trao Giấy Chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Quýt đường Long Trị" cho hợp tác xã. Giờ đây, trái quýt Long Trị không chỉ có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long mà cả các thành phố lơn như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…
Hải Anh