Nước mắm Cát Hải, gia vị từ vùng đất cảng
Nhờ mùi vị đặc biệt và quy trình chế biến an toàn, nước mắm Cát Hải, Hải Phòng được Guinness bình chọn là 1 trong 10 đặc sản gia vị của Việt Nam.
Người dân miền Bắc có câu thơ truyền miệng: "Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần/ Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét". Trong các loại đặc sản, nước mắm Vạn Vân từng được nhiều đầu bếp, người yêu ẩm thực thương mến. Sau nhiều năm, nước mắn đặc sản từ vùng đất cảng Hải Phòng vẫn tồn tại, phát triển, hóa thân vào tên gọi mới "nước mắm Cát Hải", nổi tiếng khắp miền Bắc.
Sân chum ủ mắm của người Cát Hải, Hải Phòng. |
Đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm Cát Hải sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình để sản xuất ra sản phẩm nước mắm uy tín và chất lượng này. Đại diện Cát Hải chia sẻ, khâu quan trọng nhất là chọn cá. Cá làm mắm thường là cá cơm, cá nục, đặc biệt là cá nhâm vì đây là loại cá có mùi vị đặc trưng ở vùng biển Cát Hải. Cá phải tươi, mắt trong, vẫn còn nước bổi và khi xé ra cá nguyên thịt thì người dân mới nhập về làm mắm. Cá nguyên liệu sau khi đánh bắt về được rửa sạch, loại bỏ tạp chất và đem trộn với muối rồi đưa vào các chum để ủ chượp (ủ chượp là phương pháp dùng cá trộn đều với muối ăn theo tỷ lệ xấp xỉ 3 - 1).
Người thợ đánh quấy chượp dưới ánh nắng mỗi ngày giúp mắm thơm ngon. |
Hằng ngày, người làm mắm phải mở chum ra để các chượp được phơi nắng và đánh quấy giúp chượp nhanh chín, tạo hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, nước mắm Cát Hải là sản phẩm sạch bởi những người làm ra nó luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, thành phẩm cho ra đều được tạo nên chỉ từ cá và muối, mà không có bất kì sự can thiệp của một loại hóa chất nào để tạo màu, tạo mùi.
Sau khoảng một năm, các ủ chượp ngả sang màu cánh gián cùng mùi thơm đặc trưng, tức là lúc ấy chượp đã chín. Xương và thịt cá chìm xuống, mặt dầu nổi lên và lớp này gọi là mắm nguyên chất. Sau đó mắm được mang xuống nhà lọc để tách phần bã và nước riêng. Phần nước cốt trước khi đóng chai xuất ra thị trường phải kiểm nghiệm về hương vị, màu sắc và độ đạm đã đảm bảo hay chưa. Riêng phần bã của nước mắm sau khi chắt ra sẽ dùng để làm thức ăn chăn nuôi cho thủy sản.
Nước mắm sau khi chắt lọc cần được kiểm nghiệm chất lượng kĩ càng. |
Với phương pháp sản xuất truyền thống, cùng quy trình chế biến và chắt lọc công phu, nước mắm Cát Hải có những đặc trưng riêng như hương thơm, vị đậm vì được ủ trong thời gian rất lâu, các vi chất bài tiết từ xương cá, thịt cá khiến độ đạm trong mắm cao. Điều này giúp sản phẩm nước mắm Cát Hải vừa thơm ngon, vừa đảm bảo cho sức khỏe.
Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng bằng sự uy tín và chất lượng sản phẩm, nước mắm Cát Hải vẫn là thương hiệu được nhiều gia đình tin dùng. Với sản lượng đạt 950.000 lít mỗi năm, nước mắm nơi đây đã vận chuyển và tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Không chỉ ở thị trường trong nước, nước mắm Cát Hải còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Đông Âu, Philippines, Lào...
Trong mâm cơm của người Việt dù là sơn hào hải vị hay đạm bạc rau dưa nhưng không thể nào thiếu bát nước mắm. Đi suốt dọc chiều dài đất nước, hầu như nơi nào có biển, nơi ấy có nghề làm nước mắm, và nước mắm mỗi nơi lại mang trong mình hương thơm, vị đậm và những câu chuyện khác nhau về đất, nước, và con người nơi ấy. Nước mắm Cát Hải, qua bàn tay khéo léo và sự tần tảo và trên hết là tấm lòng của người thợ đã chiếm được sự yêu mến của thực khách gần xa.
Ngọc Ly