Nông dân Bến Tre mở đường 'Bắc tiến' cho bưởi da xanh
Với sản lượng lớn nhưng không tìm được đầu ra tại miền Tây, ông Đàm Văn Hưng đã đưa quả bưởi da xanh ra miền Bắc tiêu thụ và trở thành loại quả đặc sản.
Điểm đến của hơn 2 tạ bưởi "Bắc tiến" đầu tiên mà ông Hưng lựa chọn là chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Ngày đầu, đứng giữa chợ với đống hàng, ông vừa bóc vỏ, khoe những múi bưởi đỏ hồng vừa rao: "Bưởi da xanh lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội. Mời các bác nếm thử..." Ban đầu, một vài người đứng lại hỏi thăm và nếm thử, càng về sau, người dừng lại càng nhiều hơn. Ai khen bưởi ăn ngon đều được ông Hưng tặng cho vài quả và không quên dặn lời ủng hộ. Đó là hành trình đầu tiên bưởi da xanh đến với người dân miền Bắc và trở thành thứ quả được nhiều người ưa chuộng như ngày nay.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cây bưởi da xanh ruột đỏ của tỉnh Bến Tre chỉ là loại cây trồng thông thường trong vườn nhà. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày, người dân Bến Tre xuất ra thị trường hàng tấn bưởi da xanh và đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Để có được thành công như ngày hôm nay, bà con địa phương không thể không nhắc đến công sức của ông Đàm Văn Hưng, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Ông là người khai phá ra tiềm năng phát triển và biến giống bưởi da xanh thành mặt hàng thương phẩm chủ lực của tỉnh nhà.
Trước đây, giống như nhiều hộ dân khác trong vùng, ông Hưng mở một vựa trái cây nhỏ tại nhà và đặt tên là Hương Miền Tây. Qua nhiều lần tới các vườn trái cây trên địa bàn để nhập hàng, nhìn bưởi bưởi da xanh rụng đầy gốc, ăn thử thấy có vị ngọt thanh, chua dịu lại rất mát và ngon nên ông bắt đầu nuôi ý định tạo thị trường cho giống bưởi này.
|
Ông Đàm Văn Hưng bên cạnh những trái bưởi da xanh ruột đỏ Bến Tre. Ảnh: vietlinh. |
Năm 1999, vựa trái cây Hương Miền Tây của ông Hưng bắt đầu thu mua bưởi da xanh của các nhà vườn địa phương. Ban đầu, ông tiến hành mua hết sản lượng bưởi của các hộ dân với giá chỉ 2.000-3.000 đồng một kg rồi đem bán. Tuy nhiên, do chưa có tiếng tăm nên bưởi da xanh không tiêu thụ được. Toàn bộ hàng ông gửi lên Sài Gòn bán thử đều bị trả lại. Không nản chí, ông quyết định cho bưởi da xanh "Bắc tiến" để tìm kiếm cơ hội.
Sau nhiều nỗ lực tự quảng cáo, người Hà Nội đã đón nhận bưởi da xanh Bến Tre và mua bưởi của người đàn ông miền Tây này với số lượng ngày một nhiều. Đến nay, mỗi ngày, 20 tấn bưởi da xanh được vận chuyển từ Bến Tre ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để tiêu thụ.
Khi tạo được thị trường ổn định cho bưởi da xanh, ông Hưng nghĩ đến phương án mở rộng diện tích trồng bưởi cho bà con Bến Tre. Ông đến từng nhà để vận động người dân đi theo mô hình trồng bưởi da xanh an toàn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hơn nữa, giá thu mua trong hợp đồng luôn cao hơn giá thị trường tại thời điểm bán nhằm giúp người dân thêm yên tâm chăm sóc vườn cây. Từ đây, những trái bưởi đảm bảo an toàn thực phẩm ra đời và được các doanh nghiệp nước ngoài như Đức, Canada, Australia... đón nhận. Với mỗi tấn bưởi xuất đi, bà con Bến Tre đem về lợi nhuận khoảng 50- 60 triệu đồng.
Ông Đàm Văn Hưng là tiên phong trong công cuộc phát triển giống bưởi da xanh và giúp các hộ nông dân Bến Tre làm giàu nhanh chóng. Nhờ những cống hiến trên, năm 2014, ông được trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân xuất sắc.
Như Quỳnh