Thứ năm, 28/11/2024
Thứ bảy, 21/7/2018, 09:00 (GMT+7)

Người phụ nữ Đồng Nai trồng thành công mãng cầu hạt lép

Ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Kim Mai vẫn gắn bó với vườn mãng cầu hạt lép do chính tay bà nhân lên từ một cây ban đầu.

Bà Mai (Sinh năm 1957, Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai) tình cờ bén duyên với cây mãng cầu. Năm 2011, trong một lần lên Lạng Sơn thăm người nhà, bà bắt gặp một cây mãng cầu (na) lai mãng cầu rừng cho quả to gấp ba lần bình thường, hạt ít và lép. Bà đã mua cây đó với giá 8 triệu đồng khiến chính chủ vườn cũng bất ngờ.

Ban đầu, bà mua 10kg hạt mãng cầu Thái về tự ươm cây con nhưng thất bại do chưa có kinh nghiệm. Không nản, bà tiếp tục đặt 10.000 cây mãng cầu giống ở Bến Tre, rồi thuê người ghép đọt của cây Mãng cầu hạt lép vào. Tiền mua giống và thuê nhân công ngót 100 triệu, thu về chỉ 120 cây ghép thành công.

Những cây mãng cầu hạt lép đầu dòng trong vườn của bà Mai. Ảnh: Xuân Chinh

Những cây mãng cầu hạt lép trong vườn của bà Mai. Ảnh: Xuân Chinh

"Ngày đó, cạn tiền vốn, hàng xóm và người nhà ngăn cản, tôi đã thoáng nghĩ tới việc từ bỏ ước mơ nhân rộng giống mãng cầu đặc biệt. Nhưng hình ảnh trái mãng cầu to đẹp, thơm ngon khiến tôi tự nhủ, phải gắng làm tới cùng", bà Mai nhớ lại.

Dù đã có kinh nghiệm trồng mít, sầu riêng... nhiều năm nhưng khi chăm sóc giống mãng cầu mới, bà vẫn phải tầm sư học đạo nhiều nông trại khắp miền Nam, thậm chí, bà sang tận Thái Lan xem họ trồng mãng cầu sạch như thế nào.

Trở về, bà Mai sử dụng phân chuồng hoai mục và phân vi sinh làm thức ăn cho cây. Trong vườn không dùng thuốc trừ cỏ, định kỳ hằng tháng cắt cỏ bằng máy. Nước tưới vườn lấy từ giếng khoan, sử dụng hệ thống tưới tự động. Đối với kẻ thù của mãng cầu là rệp sáp, bà dùng thuốc sinh học phun 2, 3 lượt khi quả non. Sau đó dùng túi vải không dệt bọc quả lại tới khi thu hoạch.

Giống mãng cầu hạt lép nhiều ưu điểm. Cây có sức đề kháng cao, sinh trưởng tốt, chỉ 18 tháng đã đơm hoa. Một cây trung bình cho hơn 200 quả một vụ. Để cây đủ dinh dưỡng nuôi quả lớn, bà tỉa bớt quả trên cây đi một nửa. Nhờ đó, số lượng mãng cầu đạt loại một nhiều. Trái bóng đẹp, ít hạt và hạt nhỏ, thịt dai ngọt, mùi thơm hấp dẫn.

Trái bóng đẹp, ít hạt và hạt nhỏ, thịt dai ngọt, mùi thơm hấp dẫn. Ảnh: Xuân Chinh

Trái bóng đẹp, ít hạt và hạt nhỏ, thịt dai ngọt, mùi thơm hấp dẫn. Ảnh: Xuân Chinh

Sau hai năm chăm sóc, bà Mai thu được những trái mãng cầu hạt lép sạch và ngon như loại trái năm xưa bắt gặp. Bà bọc từng trái trong lớp giấy dày, bỏ thùng và chở đi chào hàng, nhưng kết quả chỉ là những cái lắc đầu nghi ngờ. Không ai tin trái mãng cầu nặng 0,5 - 1,2 kg một quả của bà lại không dùng thuốc hóa học.

Thêm nhiều đêm mất ngủ, bà nghĩ cách tìm đầu ra cho trại mãng cầu. Con cháu bận công việc, một mình bà đi tới các chợ đầu mối và cửa hàng thực phẩm sạch ở Đồng Nai và TP HCM để thuyết phục các chủ hiệu. Bà biếu họ trái ăn thử, gửi trái bán hộ và nhờ treo tại mỗi điểm bán một tấm biển: "Mãng cầu hạt lép Kim Mai an toàn, không dùng thuốc hóa học, dùng túi bọc quả từ nhỏ". Bà công khai địa chỉ, số điện thoại để ai cũng có thể liên hệ, thăm vườn và tự kiểm chứng.

Trái mãng cầu thơm ngon, an toàn của bà Mai được khách hàng nhiều nơi dồn dập gọi đặt mua. Ảnh: Xuân Chinh

Trái mãng cầu thơm ngon, an toàn của bà Mai được khách hàng nhiều nơi dồn dập gọi đặt mua. Ảnh: Xuân Chinh

Nhờ kiên trì ký gửi bán và chất lượng trái thơm ngon, khách hàng nhiều nơi dồn dập gọi đặt mua. Giá mãng cầu loại một, loại 2, loại 3 hiện nay dao động ở các mức lần lượt là 120.000, 80.000, 50.000 đồng. Diện tích trồng mãng cầu hạt lép được bà mở rộng lên 6 mẫu (60.000m2). Mỗi năm, cây cho hai vụ thu. Ngoài bán trái, bà còn cung cấp cây giống cho khách cả nước với giá 35.000 đồng một cây con.

"Có hôm, vừa tới vườn đã thấy một ông cụ đầu bạc trắng ngồi đợi cổng. Ông gần 80 tuổi, quê Thanh Hóa, bắt xe vào tận vườn mãng cầu nhà tôi để nói chuyện về làm nông nghiệp sạch và đặt mua 200 cây giống. Đó là sự sẻ chia không gì sánh được", bà Mai kể.

Bà Mai giờ đây đã khai sinh ra được một giống mãng cầu mới mang tên mình. Ảnh: Xuân Chinh

Bà Mai đã khai sinh ra một giống mãng cầu mới mang tên mình. Ảnh: Xuân Chinh.

Từ một cây mãng cầu, bà Mai giờ đã khai sinh ra một giống mãng cầu mới mang tên mình - Mãng cầu hạt lép Kim Mai. Tuổi ngoài 60, tóc nhiều sợi bạc, hàng ngày, bà vẫn cặm cụi phần lớn thời gian ở vườn. "Khi làm nông nghiệp sạch, mỗi cái cây là một đứa con cưng. Đã là con thì sao ngừng quan tâm, chăm sóc được", bà Mai nói.

Xuân Chinh

Chia sẻ bài viết qua email