Mô hình trồng ổi VietGap tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh
Nhờ đầu tư trồng theo đúng tiêu chuẩn VietGap ngay từ đầu tới khi xuất bán, những quả ổi Đài Loan trở thành đặc sản, giúp người dân Tiên Du làm giàu trên chính quê hương.
Trồng ổi thương phẩm không phải là mô hình mới nhưng do đầu ra chưa ổn định, mẫu mã quả ổi chưa hấp dẫn so với nhiều loại trái cây nhập ngoại nên nhiều hộ sau khi thử nghiệm thất bại đã không còn mặn mà với loại cây trồng này. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ áp dụng quy trình trồng theo VietGap ngay từ khâu làm đất, nước tưới, xuống giống tới chăm sóc đúng kỹ thuật, những quả ổi lê Đài Loan của huyện Tiên Du, Bắc Ninh được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Bắt đầu đưa vào trồng theo mô hình VietGap từ cuối năm 2014, đến nay, diện tích trồng ổi lê Đài Loan 6ha của Công ty cổ phần Dabaco tại xã Lạc Vệ và Chi Tiên, huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho thu hoạch gần 180 tấn một năm (trung bình 30 tấn một ha mỗi năm).
6ha ổi lê Đài Loan theo quy trình VietGap bắt đầu được trồng từ cuối năm 2014. Ảnh: bizmedia. |
Ngay từ đầu, diện tích trồng ổi được quy hoạch ở khu vực riêng, cách xa khu dân cư và các nguồn có thể gây ô nhiễm tới quả tươi như khu đổ rác thải, nghĩa trang, bệnh viện.
Trước khi xuống giống, toàn bộ diện tích đất trồng, nước tươi được lấy mẫu kiểm tra về hàm lượng kim loại nặng, độ pH và các chỉ tiêu theo chuẩn VietGap. Từ nguồn nước ngầm tự nhiên khai thác qua giếng khoan, nước được chuyển sang 2 bể lọc lớn sau đó mới dẫn đến vườn trồng và tưới tiêu bằng hệ thống tự động.
Về cây giống, các cây ổi con sau khi lấy giống từ Đại học Nông Nghiệp được xuống giống theo đúng kỹ thuật, phân thành các hàng, các khu riêng. Mỗi khu đều có ghi rõ ngày trồng, diện tích để người nông dân dễ theo dõi, thực hiện tỉa cành, tạo tán thường xuyên và có chế độ chăm sóc phù hợp. Nhờ đó, sâu bệnh được hạn chế và đảm bảo lượng chất dinh dưỡng luôn đủ để cây phát triển khỏe mạnh, sai quả, cho quả đều.
Bọc ổi là một trong những khâu vất vả và tốn nhân công nhất trong quy trình trồng ổi. Ảnh: bizmedia. |
Trong suốt thời gian trồng, cây ổi được bón chủ yếu bằng phân trấu và phân chuồng ủ hoại mục trong 2 năm. Đồng thời, toàn bộ quá trình bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho từng ruộng theo định kỳ đều được lưu lại trong hồ sơ để truy xuất nguồn gốc.
Sau khoảng 4-5 tháng, cây ổi bắt đầu ra hoa và thụ quả. Để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi quả và quả ổi đạt chất lượng thương phẩm, người nông dân sẽ tiến hành tỉa bớt hoa, quả, chỉ giữ lại những quả đẹp nhất của mỗi chùm. Khi quả đạt kích thước 2-3cm, người nông dân bắt đầu tiến hành bọc ổi bằng mút xốp và bao nilon PP đạt chuẩn có đục lỗ dưới đáy.
Việc bao nilon giúp hạn chế sâu bệnh, ngăn chặn các loại côn trùng, sâu bọ tự nhiên tới đẻ trứng, tấn công quả trong suốt quá trình phát triển. Quả lớn lên sẽ có kích cỡ phù hợp, hình dáng đều và màu sắc sáng đẹp, hấp dẫn.
Sau 3 tháng từ khi bọc, người dân có thể thu hoạch quả. Điểm khác biệt của cách trồng ổi này là thời gian cho thu hoạch ngắn, chỉ 8-9 tháng và cho quả quanh năm.
Quả ổi lê Đài Loan đang dần được người tiêu dùng đón nhận và có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị. Ảnh: bizmedia. |
Nhờ được trồng theo quy trình VietGap, quả ổi lê Đài Loan tại Tiên Du được bao tiêu hoàn toàn đầu ra. Hiện, những quả ổi ngọt giòn này mới chỉ phân phối chủ yếu ở các hệ thống siêu thị của Bắc Ninh và số ít các siêu thị tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo chuẩn VietGap được nhân rộng, nhiều quả ổi ngon, sạch sẽ tiếp tục tới tay được nhiều người tiêu dùng.
Giang Tạ