Thứ tư, 4/12/2024
Thứ năm, 3/10/2019, 15:38 (GMT+7)

Mô hình 'Cây xoài nhà tôi' ở Đồng Tháp

Mô hình "Cây xoài nhà tôi" tại Đồng Tháp ra đời nhằm đa dạng hóa phương thức quảng bá đặc sản địa phương, giúp người nông dân thêm thu nhập.

Ai có dịp đến thăm mô hình trồng xoài của ông Mách (Cao Lãnh, Đồng Tháp), đều ấn tượng trước vườn xoài trĩu quả. Chỉ với hơn 12.000m2 đất vườn, ông Mách trồng duy nhất giống xoài Cát Chu nổi tiếng. Điểm đặc biệt ở vườn xoài của ông Mách là có khoảng 25 cây xoài đã được gắn bảng đánh dấu tên tuổi những khách hàng đặt mua "Cây xoài nhà tôi".

Mô hình

Mô hình "Cây xoài nhà tôi" đang được triển khai tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Dẫn khách đi thăm vườn xoài, ông Mách cho biết, trước đây, xoài chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh nên giá trị trái xoài không được phát huy. Sau khi tham gia vào hoạt động của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, được hợp tác xã triển khai mô hình 'Cây xoài nhà tôi' có hỗ trợ kỹ thuật canh tác, ông Mách đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm được quản lý truy xuất nguồn gốc nên chất lượng được đảm bảo.

Đặc biệt, từ khi tham gia mô hình "Cây xoài nhà tôi", giá bán ổn định, khách hàng trả tiền trước nên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân giảm một phần chi phí đầu tư sản xuất ban đầu. Điều quan trọng hơn là người nông dân cảm nhận được sự chia sẻ của khách hàng. "Sau 3 năm canh tác, tôi bán được 25 cây xoài, với giá bán từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm", ông Mách cho biết.

Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 9.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 90.000 tấn. Mô hình "Cây xoài nhà tôi" tại Đồng Tháp ra đời năm 2016 nhằm đưa đặc sản của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời, giúp người nông dân có thêm thu nhập, giảm rủi ro và đầu ra ổn định. Những cây xoài được chọn vào mô hình "Cây xoài nhà tôi" phải đảm bảo các tiêu chí như: cây to khỏe, gần đường lớn, người canh tác chuẩn, điều kiện vệ sinh tốt, sản lượng cây xoài cao và phải trồng theo tiêu chuẩn, quy trình VietGap, Global Gap.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Thông qua website http://xoaicaolanh.com.vn, khách hàng ở khắp mọi miền có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại... Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình vào khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm".

Theo thỏa thuận, khi mua, trong suốt một năm, với hai vụ thu hoạch, người mua được hưởng toàn bộ số trái trên cây. Ước lượng, khách hàng có thể thu từ 100kg - 150kg/cây (nếu trúng mùa) hoặc 70kg/cây (nếu mất mùa) và sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. Ngoài ra, người sở hữu "cây xoài nhà tôi" còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên website. "Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những trái xoài có đầy đủ nguồn gốc, tường tận cách chăm sóc và không mua nhầm hàng kém chất lượng mà giá cao", ông Nguyễn Phước Thiện cho biết thêm.

Mô hình

Toàn bộ trái xoài trên cây sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp: "Sau một thời gian triển khai "Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp", tỉnh Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì... mà còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Do đó, bước đầu, nông dân Đồng Tháp đã có sự chuyển biến từ nền nông nghiệp lấy sản lượng làm lợi nhuận sang hướng phát triển nông nghiệp chất lượng, hiện đại. Từng bước xây dựng được niềm tin với khách hàng từ các nông sản có chất lượng, minh bạch trong sản xuất thông qua các mô hình "vườn tôi, nhà mình".

"Đặc biệt, hiện nông dân trồng xoài trong tỉnh có ý thức liên kết, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hầu hết sản phẩm xoài được nhà vườn tiêu thụ qua thương lái hoặc vựa, chiếm hơn 80%", Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ.

Hiện tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra đề án "Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười" gồm 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Riêng lĩnh vực liên kết vùng, để phát triển chuỗi giá trị nông sản đặc trưng Đồng Tháp Mười, trái xoài được định hướng là sản phẩm có giá trị và thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế. Hiện sản phẩm xoài Cát Chu, tỉnh Đồng Tháp có diện tích hơn 6.000 ha và xoài Cát Hòa Lộc, tỉnh Tiền Giang có diện tích hơn 3.900 ha, chiếm khoảng 25% diện tích xoài Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài và ảnh: An Nguyên

Chia sẻ bài viết qua email