Thứ tư, 29/1/2025
Thứ năm, 27/7/2017, 19:00 (GMT+7)

Kỹ sư địa chất đưa rong nho Khánh Hòa ra thế giới

Ông Lê Bền là một trong những người đầu tiên trồng rong nho thành công tại Việt Nam, và làm sống lại những đìa tôm bỏ hoang ở Khánh Hòa.

Trước khi bén duyên với rong nho, ông Lê Bền là kỹ sư ngành địa chất, chuyên xuất khẩu đá granite ốp lát xuất khẩu sang các nước. Nhiều lần ăn cơm cùng đối tác người Nhật, ông để ý thấy họ rất chuộng món rong nho (umi budou). Tuy nhiên, nhà hàng ở Việt Nam hầu như không có, bởi giá hơn 100USD mỗi kg. Thời điểm đó, ý tưởng làm giàu đã lóe lên trong ông.

polyad

Ông Bền từng thử nghiệm hàng chục lần để tìm ra cách trồng rong nho phù hợp ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

Năm 2004, ông Bền nhận được 200gr rong nho giống cùng như tài liệu hướng dẫn nuôi trồng từ người bạn tại Nhật. Hứng khởi, ông bắt tay ngay vào việc nhân giống trong các bể gương. Rong nho sinh trưởng tốt, khi có trong tay lượng giống đủ nhiều, ông chuyển qua canh tác ở các đìa ao nuôi tôm sú bỏ hoang ở phường Ninh Hải, Ninh Hoà, Khánh Hoà.

Sau vài ngày, rong nho chưa kịp phát triển đã bị tôm, cua, cá ăn hết. Những cây rong nho giống ít ỏi hao hụt dần. Ông lo lắng không biết phải học tập kinh nghiệm ở đâu, vì Việt Nam chưa có ai trồng, nhiều người cũng khuyên nên dừng lại.

Bỏ ngoài tai lời can ngăn, ông cải tạo ao đìa và trồng rong nho trong các lồng làm bằng lưới bảo vệ. Tuy nhiên, chi phí khá cao nên hiệu quả kinh tế thấp. Ông lại quyết tâm thử hướng mới với khay nhựa lót cát và kê sàn.

Kỹ sư địa chất đưa rong nho Khánh Hòa ra thế giới
 
 

Ông Bền cho biết, nếu học người Nhật trồng tiếp đáy thì khó thu hoạch, rong lại lẫn chất bẩn, dễ giẫm đạp lên khi thu hoạch. Phương pháp trồng treo trong túi lưới thì rong sạch sẽ, nhưng sinh trưởng kém vì không tiếp xúc trực tiếp với dinh dưỡng vùng cát. Vậy nên, ông tìm cách kết hợp cả hai phương án này.

Cụ thể, rong nho được ông trồng trong các khay nhựa, bên trong lót nilon để chứa mùn cát. Các khay giống được đặt kê trên kệ sạp đóng bằng tre gỗ, đặt chìm dưới đáy đìa. Trên mặt đìa, ông dùng lưới che nhằm chủ động điều tiết ánh sáng, nhiệt độ nước biển. Để tăng cường lượng oxy hòa tan trong nước giúp cây rong phát triển tốt hơn, ông còn sử dụng guồng đập làm xáo trộn dòng chảy.

Kết quả sau 2 tháng, chiều dài cọng rong nho dài 10cm, trong khi ở Nhật sau 3 tháng mới được 5cm. Năng suất bình quân mỗi ha đạt 20 tấn một năm, gấp đôi sản lượng rong nho Nhật. Sản phẩm mang đến cơ quan chức năng kiểm tra, sạch không lẫn tạp chất, mùi vị ngon hơn trong khi chỉ tốn chi phí bằng một phần mười so với cách trồng tại Okinawa.

polyad

Kiểm tra chất lượng rong nho tại nhà máy. Ảnh: NVCC

Năm 2006, lô hàng rong nho đầu tiên xuất sang Nhật Bản. Nhờ chất lượng tốt, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kiểm định của FDA (Mỹ), nên rong nho Khánh Hòa dần phủ sóng ở Mỹ, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc.

Người Nhật vốn kỹ tính nên khi xuất khẩu những lứa rong đầu tiên, đối tác còn đem mẫu về Nhật Bản kiểm tra lại. Lúc đầu, họ chưa tin Việt Nam trồng được rong nho năng suất hơn xứ mặt trời mọc, nên cử kỹ sư sang tận nơi giám sát cách trồng của ông.

Hiện nay, mỗi năm công ty sản xuất được khoảng 60 tấn rong nho, 67% sản lượng xuất khẩu, trong đó Nhật chiếm 50%. Doanh thu từ hai sản phẩm rong tươi và rong muối mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng. Giá xuất khẩu bình quân 8-10 USD mỗi kg (FOB), bán trong nước 150.000-200.000 đồng.

polyad

Sáng kiến trồng rong nho mang về cho kỹ sư Lê Bền - Phó giám đốc Công ty TNHH Trí Tín giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc lần chín. Ảnh: NVCC

Để đảm bảo các tiêu chuẩn sơ chế, đóng gói sản phẩm, ông Bền đầu tư hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị máy móc tiên tiến chế biến sản phẩm rong nho sạch đạt tiêu chuẩn HACCP. Anh Lê Minh Trí, con trai ông Bền cũng từ bỏ công việc kiến trúc sư về giúp sức cha. 

Không dừng ở đó, ông còn giới thiệu kỹ thuật mới cho bà con, nâng diện tích trồng rong nho tại Khánh Hòa lên 300ha. Ông cho biết: "Tiềm năng của ngành rong biển Việt Nam rất lớn, nhờ đường bờ biển dài và thuộc vùng biển ấm. Mô hình này thích hợp ở cả những vùng đảo thiếu nước ngọt và rau xanh như Hoàng Sa, Trường Sa, mang lại thu nhập cho bà con ngư dân".

Ánh Tuyết

Chia sẻ bài viết qua email