Chủ nhật, 1/12/2024
Thứ bảy, 24/6/2017, 14:00 (GMT+7)

Kỹ sư 5x lai tạo thành công giống gà đặc sản

Nhờ kiến thức về chăn nuôi thú y, ông Nguyễn Quốc Kiệt ở Tiền Giang tạo ra giống gà ta Gò Công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh năm 1952, ông Kiệt từng theo học chuyên ngành chăn nuôi thú y tại Đại học Nông nghiệp 4 (nay là Đại học Nông Lâm TP HCM). Ông có nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như phương pháp gieo tinh cho gà, ấp nở lươn nhân tạo và gần nhất là giống gà ta Gò Công - đặc sản nổi tiếng Tiền Giang.

Những năm 2007-2008, người dân thị xã Gò Công chủ yếu nuôi giống gà ta lông vàng và gà chọi (còn gọi là gà nòi). Với kiến thức về chăn nuôi - thú y được đào tạo bài bản từ đại học, thông qua phương pháp gieo tinh nhân tạo, ông tiến hành lai giữa gà ta lông vàng và gà chọi thành giống mới.

Ông Kiệt lại tiếp tục lai giống mới với gà ngoại Rode Island Red (nhập khẩu từ Anh) và tạo ra giống mới có nhiều ưu điểm hơn hẳn. Ông đặt tên giống này là gà ta Gò Công.

polyad

Gà ta Gò Công được ra đời qua nhiều lần lai tạo, chọn giống. Ảnh: Bizmedia.

Ưu điểm của giống gà ta Gò Công là năng suất đẻ cao, chất lượng thịt ngon. Mỗi năm, một con gà có thể đẻ 180 trứng trong khi giống thường chỉ đạt khoảng 70 quả. Gà trống nuôi 100 ngày có thể năng 1,5 -1,8 kg còn gà mái nuôi 120 ngày đạt trọng lượng bình quân từ 1,4 đến 1,8 kg.

Nghiên cứu này của ông Kiệt đạt "Giải C" Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (2007-2008). Sáng kiến này có tính ứng dụng cao, giúp người dân vượt khó, vươn lên làm giàu. 

Sau đó, ông Kiệt thành lập Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Gò Công, phát triển thương hiệu gà ta Gò Công thành đặc sản được nhiều người biết đến.

polyad

Chất lượng gà đồng đều, lớn nhanh, thịt ngon là ưu thế của gà ta Gò Công. Ảnh: Bizmedia.

Năm 2012, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của giống gà ta Gò Công trên thị trường, ông Kiệt cùng Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Gò Công tiếp tục triển khai Đề tài nghiên cứu "Chăn nuôi gà ta Gò Công an toàn sinh học theo chuỗi giá trị". Trong đó, nòng cốt là chuỗi liên kết 4 nhà vừa giải quyết đầu vào, đầu ra sản phẩm, vừa khẳng định lợi ích thiết thực của con đường làm ăn tập thể giai đoạn mới.

Tính ưu việt của nghiên cứu này là phải thực hiện đạt 31 tiêu chí đề ra như nuôi gà theo quy chuẩn từ chuồng trại đến thức ăn, nước uống phải đạt an toàn sinh học, có ghi chép nhật ký, truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ…

Chính mô hình chăn nuôi này được Trung tâm Chất lượng Nông, lâm, thủy sản vùng 4 (Cục quản lý Chất lượng Nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cấp giấy chứng nhận VietGAP năm 2016. Hiện nay, hợp tác xã có khoảng 40 thành viên với tổng đàn gà là trên 100.000 con một năm. 

Mô hình chăn nuôi gà ta Gò Công hiện nay: 

Kỹ sư 5x lai tạo thành công giống gà đặc sản 
 
 

Nhờ hình thức chăn nuôi hợp tác xã, kinh tế của các xã viên đã ổn định, vươn lên làm giàu. Với gà ta Gò Công trống nuôi sau 120 ngày, giá bán là 70.000 đồng một kg còn gà mái nuôi sau 100 ngày là 55.000 đồng mỗi kg. Mỗi năm hợp tác xã thu về 15 -17 tỷ đồng và thu nhập bình quân cho mỗi xã viên là khoảng 8-10 triệu đồng mỗi tháng.

Với những cống hiến cho quê hương, năm 2010, kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt nhận giải thưởng "Doanh nhân - Doanh nghiệp trí thức tiêu biểu" do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng.

Thu Nga

Chia sẻ bài viết qua email