Sáng 14/7 tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), gần 600 đại biểu đại diện cho cựu chiến binh các đơn vị từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trong chiến tranh biên giới lần đầu tiên gặp mặt. Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang gồm 31 thành viên ra mắt. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 là Trưởng ban liên lạc. Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 làm Chủ tịch danh dự.
Các đại biểu đã ôn lại những năm tháng lịch sử của cuộc chiến tranh giữ vững biên giới Hà Giang. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhắc lại sự giúp đỡ của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến và khẳng định nhân dân Việt Nam không quên điều đó. Song ông cũng điểm lại những lần Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam những năm 1974, 1979, 1988 và nhắc nhở "họ vẫn đang từng ngày, từng giờ tìm mọi cách để gây ra những sự đã rồi nhằm mục đích thôn tính lãnh thổ biên giới, hải đảo của Việt Nam".
Tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang xâm lược biên giới Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50 km, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc. Nằm trong cuộc chiến đó, từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía Bắc suối Thanh Thủy.
"Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ năm 1975. Ác liệt nhất, có đợt chỉ trong 3 ngày Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn đại bác vào khu vực Vị Xuyên. Cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm (1984 - 1989), nếu tính từ năm 1979 thì cuộc chiến kéo dài tới 10 năm", nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 - 1989 cho biết.
Để giữ vững biên cương, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên.
Những trận đánh giữ đất của bộ đội Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm... Chiến tranh kết thúc, có cao điểm bị bạt đi hơn 3m vì đạn pháo, ác liệt đến mức được gọi là "lò vôi thế kỷ". Quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới.
Theo thiếu tướng, có được sự thắng lợi trên là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và tinh thần đoàn kết của quân dân ta. Ông cũng nhắc đến thế hệ lãnh đạo thời kỳ ấy đang có mặt tại hội trường như bà Hà Thị Khiết lúc bấy giờ là Phó chủ tịch tỉnh Hà Tuyên, trung tướng Đặng Quân Thụy lúc đó là Tư lệnh mặt trận, sau này là Tư lệnh Quân khu 2. Hay chị Quý cửa hàng trưởng và chị Phượng, phó cửa hàng trưởng của cửa hàng "Tuyến lửa" nổi tiếng phục vụ hàng hóa cho anh em bộ đội một thời.
"Thắng lợi rất anh hùng nhưng tổn thất cũng rất lớn. Hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Phần lớn họ trên dưới 20 - bằng tuổi con cháu chúng ta hiện nay", tướng Huy nhấn mạnh.
Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa quy tập được hài cốt. Nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách, mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang, hàng ngàn ha đồi núi đến nay vẫn còn vật liệu nổ làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Kỷ niệm những ngày lễ lớn hàng năm vẫn có những khoảng lặng, là chưa nhắc đến sự hy sinh to lớn của hàng nghìn liệt sĩ và chiến thắng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên đúng với tầm vóc của cuộc chiến.
Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 xúc động vì lần đầu tiên cuộc gặp mặt được tổ chức sau hơn 30 năm. Theo ông, trong cuộc chiến giữ biên giới Vị Xuyên, quân dân ta không phải đối đầu với lực lượng nhỏ mà là với những binh đoàn lớn, chiến lược của quân Trung Quốc. Nhưng ta vẫn đánh bại, đó là chiến thắng của sự quyết tâm giữ vững chủ quyền biên giới. "Lịch sử không quên, không thể nào quên và không ai được phép quên", ông khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh thông tin, trong cuộc chiến này Hà Giang đã huy động 12.000 dân công hỏa tuyến cùng 20.000 dân quân miền xuôi tham gia đào đắp hàng vạn mét hào, đường giao thông, chi viện lương thực, thực phẩm... để xây dựng phòng tuyến biên giới chống lấn chiếm.
"Trong 5 năm chiến đấu bảo vệ biên giới (1984 - 1989), Hà Giang là nơi đương đầu với cuộc chiến ngay từ đầu và là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất, chịu nhiều tổn thất. Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương", ông nói.
Để ghi nhớ công lao liệt sĩ, Ban bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý cho Hà Giang phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên thành nghĩa trang cấp quốc gia và xây dựng cụm tượng đài chiến thắng.
"Tỉnh cũng có chủ trương lập dự án khu di tích lịch sử Tây sông Lô - Bắc Vị Xuyên để ghi nhận công lao của các đơn vị từng chiến đấu tại nơi này, trải nghiệm du lịch trên chiến trường xưa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ", ông nói.
Lãnh đạo ban liên lạc đồng thời đưa ra 6 kiến nghị với Đảng, Nhà nước và quân đội, đó là: tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về cuộc chiến tranh biên giới Hà Giang với ý nghĩa "Đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của Trung Quốc"; tổ chức đội rà phá bom mìn, vật liệu nổ trong chiến tranh để giải phóng đất đai; tổ chức đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; các đơn vị trực tiếp chiến đấu ở Hà Giang cần biên soạn lịch sử cho xứng tầm cuộc chiến, trưng bày hiện vật chiến tranh để giáo dục con cháu; xây dựng khu tưởng niệm, tượng đài chiến thắng, quy hoạch lại nghĩa trang Vị Xuyên; làm lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại mặt trận và tổ chức hội thảo khoa học về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới này.
>> Xem thêm: Thư gửi bộ đội Trường Sa của cựu binh chiến tranh biên giới
Hoàng Phương