Đầu hè 2023, binh nhất 22 tuổi Sấn Văn Trung được trung đội trưởng trao cho con dao, chiếc xẻng và thuốn sắt, những dụng cụ gắn bó với anh cho đến ngày xuất ngũ đầu năm 2025. Sau ba tháng huấn luyện tân binh, Trung cùng 11 đồng đội được gọi lên nhận nhiệm vụ rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh biên giới phía Bắc. Những chàng trai tuổi đôi mươi được dạy quy tắc an toàn khi rà phá vật nổ, phân biệt các loại mìn và cách vô hiệu hóa một số loại.
Trung dân tộc Hoa, lớn lên ở xã Chí Cà, huyện biên giới Xín Mần, đôi chân nhanh như sóc, quen nương rẫy nên được chọn vào tổ tiên phong phát dọn mặt bằng. Anh thuộc biên chế Đại đội Công binh 19, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, một trong sáu đơn vị quân đội tham gia rà phá bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh để phục vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, làm sạch đất sản xuất.
Trải qua cuộc chiến 10 năm bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989), Hà Giang còn 77.900 ha đất ô nhiễm bom mìn và 7.500 ha trong số đó mật độ dày đặc. 230 người đã chết, 395 người bị mất một phần cơ thể do bom mìn. Riêng Vị Xuyên, nơi từng hứng chịu khoảng 2 triệu quả đạn pháo từ bên kia biên giới những năm 1984-1989, không ai đếm được còn bao nhiêu mìn, đạn cối sót lại.
Qua khảo sát thực địa lập bản đồ rà phá, biên giới xã Minh Tân được xác định cấp độ một, tức mỗi hecta đất còn hơn 100 quả mìn; một số điểm cấp độ hai - khoảng 60-80 quả, đều là cấp độ đặc biệt nguy hiểm. Được giao rà phá trên 150 hecta đất trong hai năm 2023-2024, những người lính công binh Đại đội 19 hiện đã làm sạch trên một nửa diện tích.
Đôi bàn tay Trung đầy vết chai sần sau tám tháng cầm dao phát, loại cán gỗ dài 2 m. Không đơn giản như đi làm nương "muốn lia thế nào cũng được", mỗi bước chân đặt lên mặt đất luôn phải tuân thủ quy tắc an toàn. Bởi làm sai có thể đánh đổi bằng máu xương mình lẫn đồng đội.
Phát gọn lau lách, Trung xiên nhẹ chiếc thuốn sắt vào lớp đất kiểm tra. "Để tránh chọc vào nắp mìn gây sát thương, thuốn, xẻng không được xiên thẳng xuống đất mà phải nghiêng 30-40 độ", binh nhất nói về bài học nằm lòng. Thấy an toàn, Trung dùng xẻng xúc cho đến khi hết lớp mùn dày 30 cm tạo thành hố nhỏ, gọi là xúc bước chân. Công binh đi sau đặt chân vào đúng chiếc hố rồi di máy dò mìn xung quanh. Nếu tín hiệu vang lên, cờ đỏ báo hiệu được cắm xuống.
Độ nguy hiểm của công việc đang làm cho chàng trai dần tiếp cận một phần hiện thực cuộc chiến biên giới phía Bắc, điều mà khi còn thơ bé anh chỉ được nghe qua lời kể của ông bà, những người từng là dân công hỏa tuyến gùi gạo cho bộ đội giữ đất biên cương Chí Cà. Năm 15 tuổi, lần đầu tiên Trung nhìn thấy vết tích chiến tranh qua lỗ thủng sâu hoắm trên vách đá do đạn pháo rót vào khi cùng bố đi xây công trình trong xã.
Càng rà lên sát đường biên, mật độ mìn càng dày đặc và dễ bắt gặp M79, K58, 625A, 625B... Nhiều quả vỏ nhựa, nằm im trong đất hơn 40 năm, lúc đào lên vẫn như mới tinh. Loại mìn này chủ yếu làm suy giảm sức chiến đấu, khiến đối phương nhẹ cụt chân, tay, nặng thì mất mạng.
Những bước chân công binh càng thận trọng khi tiến gần công sự, hầm hào chi chít dây thép gai, nơi hai bên cắm mìn dày đặc bảo vệ trận địa lúc giao tranh. Những vật nổ không đưa về kho được, đội công binh xử lý ngay tại chỗ. Phần lớn mìn còn lại được vô hiệu hóa để mang về kho chờ hủy nổ.
Sấn Văn Trung thường gặp những mảnh vụn vỡ ra từ đạn cối, loại không còn sức sát thương. Mỗi khi gặp mìn, việc tháo kíp luôn do sĩ quan công binh như trung úy Phạm Đức Trường, Trung đội trưởng Công binh 3, đảm nhận. Trung úy 25 tuổi, quê Phú Thọ đã tự tay hủy nổ hầu hết các chủng loại mìn sau 8 tháng rà phá ở Vị Xuyên. Lần đầu cầm quả mìn thật, Trường hơi run tay, giờ nhìn thấy là "đầu óc tự động biết quả này sẽ tháo nổ ra sao".
Một trong những loại mìn các sĩ quan không bao giờ cho phép chiến sĩ đụng vào là K69. Quả mìn vỏ sắt, chống ẩm tối ưu dù chôn sâu dưới đất, bị kích nổ bằng lực đè trên 5 kg hoặc dây vướng 2 kg với bán kính sát thương trên 10 m. Mìn do Trung Quốc sản xuất, thường phóng lên ngang thắt lưng rồi phát nổ nên còn gọi là "cóc bay". Loại này làm suy giảm sức chiến đấu, khiến người lính không hy sinh ngay mà đau đớn, mất máu, đồng đội không biết sơ cấp cứu từ đâu.
Ngày đầu trước khi rời lán trại vào nơi từng là chiến địa cũ, Trường châm nén hương với điếu thuốc cắm cạnh tảng đá lớn, khấn trong đầu "Hương hồn các chú, các bác phù hộ cho anh em an toàn". Trường tin "bộ đội mình chiến đấu ở đây, hy sinh cũng quyết giữ từng tấc đất. Mình lớp con cháu, dọn dẹp sạch sẽ để đội quy tập tìm đưa các chú, các bác về quê".
"Công việc có thể nhanh chậm tùy vào thời tiết, địa hình, nhưng an toàn luôn phải là số một", trung úy công binh vẻ ngoài già dặn so với tuổi 25 nói về nhiệm vụ không cho phép người lính cẩu thả dù chỉ một bước chân. Từng tổ nhóm luôn có sĩ quan phụ trách theo sát, song mỗi chiến sĩ được chọn lựa vào đội hình đều quen với tính kỷ luật nên không cần nhắc nhiều.
Bước vào mùa đông, tiến độ rà phá chậm lại do sương mù dày đặc, nhiệt độ tụt xuống 1-2 độ C. Công binh bó gối trong lán trại, chơi cờ, vật tay giết thời gian.
"Anh em sốt ruột, nhưng không thể cãi lại thời tiết vì sương mù dày, tầm nhìn xa không đảm bảo an toàn", thiếu tá Phạm Xuân Ngọc, Đại đội trưởng Công binh 19, giải thích. Ở đất này, mùa hè nắng gắt, mùa đông sương dày, thời gian tập trung rà phá thường kéo dài từ tháng 4 đến đầu tháng 12. Khi sương tan, bộ đội lại hành quân vào bãi dò mìn. Những ngày đi bãi xa, leo vách núi, anh em gánh theo cơm nước ăn trưa để chiều làm tiếp.
Mười năm trước, Ngọc 26 tuổi, lần đầu tiên dẫn trung đội công binh gùi quân tư trang, gạo, thực phẩm, đi bộ nửa ngày vào thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân nằm sát đường biên. Bộ đội ngả lán trại cách cây nghiến cuối thôn một đoạn và mất hơn nửa năm dò mìn làm sạch đất để xây dựng đường tuần tra biên giới.
Trở lại Minh Tân vào năm 2023, con đường bêtông làm thay đổi bản làng vùng biên khiến thiếu tá Ngọc khó nhận ra cho tới khi nhìn thấy cây nghiến đứng trơ trọi ven đường. Những ngôi nhà bêtông thay dần mái cọ, chỗ vườn sắn đã thành tiệm tạp hóa. Nhưng dưới mặt đất vẫn còn chi chít bom mìn đang chờ tìm ra.
Nhiệm vụ lần này nặng nề hơn với thiếu tá Ngọc khi phụ trách đại đội công binh trăm người làm sạch 150 ha đất. Công việc với anh giờ mang nhiều ý nghĩa hơn, dọn sạch sẽ rồi thì "người ngã xuống sớm tìm được hài cốt đưa về, người sống sớm có đất sản xuất, đi nương đi rừng không lo vấp phải mìn".
Với trung úy Trường, ngày mới tốt nghiệp trường Sĩ quan Công binh, anh chưa từng nghĩ có ngày đi gỡ từng quả mìn còn cắm lại biên giới. Những thanh niên thế hệ cuối 8x, đầu 9x trở đi vì nhiều lý do đã không được biết nhiều về chiến tranh biên giới phía Bắc qua sách vở. "Giờ mình rà phá bom mìn, sau này lớp con cháu có vào bộ đội cũng không phải làm những việc này nữa", anh nói.
Rạng sáng 17/2/1979, hơn 600.000 quân Trung Quốc tổng tấn công vào sáu tỉnh biên giới Việt Nam gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh. Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 18/3 cùng năm, nhưng suốt 10 năm sau đó, biên giới phía Bắc chưa ngưng tiếng súng. Hàng chục nghìn người dân, bộ đội, công an đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Phương