Hành trình trở thành 'Vua cút' của lão nông Tiền Giang
Ông Trần Nguyễn Hồ được bà con ấp Long Bình, Tiền Giang gọi vui bằng cái tên 'Vua cút' bởi những phát kiến giúp nghề nuôi chim cút ở đây phát triển mạnh mẽ.
Nhiều năm qua, trang trại nuôi chim cút của ông Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Bình, huyện Châu Thành, Tiền Giang được đánh giá là cơ sở chăn nuôi thành công. Đây cũng là trang trại đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt yêu cầu chất lượng để xuất khẩu trứng cút sang thị trường Nhật Bản. Mỗi tháng, trang trại mang lại cho ông Hồ thu nhập khoảng một tỷ đồng. Tuy nhiên, trước khi đạt được thành công này, ông cũng từng trải qua nhiều thất bại trong nghề.
Lão nông Trần Nguyễn Hồ (tóc bạc) kiểm tra tình trạng trứng cút. Ảnh: skyscrapercity. |
Trước đây, vào thời điểm sau giải phóng, ông Hồ làm việc ở Xí nghiệp Dược tỉnh Tiền Giang. Với thu nhập ít ỏi, cuộc sống khó khăn kéo dài, đến năm 1990, ông quyết định thôi việc và ra ngoài làm lao động tự do. Tới năm 1998, ông mới bắt đầu "chạm ngõ" với nghề nuôi chim cút.
Ban đầu, ông nuôi thử nghiệm khoảng 2.000 con chim cút giống và nhận thấy chúng mau lớn, đẻ trứng khá tốt, cho thu nhập cao. Do vậy, ông dồn vốn và đầu tư quy mô đàn nuôi lớn hơn. Tưởng chừng mọi thứ đều thuận lợi nhưng cho đến năm 2003, dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, cả đàn cút của ông bị tiêu hủy.
Khoảng 2 năm sau, khi dịch bệnh qua đi, thị trường gia cầm dần khôi phục, ông Hồ lại quay về với nghề. Với bài học xương máu đã qua, ông quyết tâm tìm ra phương pháp kháng bệnh cho đàn cút. Thông qua sách báo và Internet, ông khám phá ra mô hình nuôi cút khép kín giúp chim khỏe mạnh lại cho trứng chất lượng cao.
Để phát triển mô hình trên, ông tự mày mò và tạo ra hệ thống chuồng tự động bằng kim loại theo kiểu công nghiệp. Các tầng chuồng được thiết kế hợp lý và lắp đặt nhiều thiết bị tự động như hệ thống máng ăn, nước uống, hệ thống đèn... Chuồng tự động có nhiều điểm ưu việt như gọn nhẹ, tiết kiệm diện tích, giảm sức lao động và dễ vệ sinh. Thời gian sau, sáng chế này của ông được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp giấy đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Từ khi mô hình đi vào triển khai, trang trại của ông đã phát triển được hơn 100.000 con chim cút với diện tích 6.000m2. Hàng ngày, khoảng 100.000 quả trứng được đem đi tiêu thụ khắp các siêu thị và thành phố lớn tại Sài Gòn, Rạch Giá, Cần Thơ... Từ cuối năm 2013 đến nay, mỗi tháng, ông Hồ hợp tác với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang Nhật Bản hơn 2 quả triệu trứng cút, thu nhập mang lại khoảng một tỷ đồng.
Nhận thấy mô hình của mình hữu ích, ông khuyến khích, hỗ trợ vốn, nguồn giống và kinh nghiệm cho các hộ dân vệ tinh để giúp họ làm giàu. Hộ nuôi ít cũng khoảng 5.000 con, còn hộ nuôi nhiều cũng lên tới vài chục nghìn con. Từ đó, nhiều hộ trong địa phương đã thoát nghèo.
Bằng lòng nhiệt huyết và sự yêu nghề, lão nông Trần Nguyễn Hồ đã tạo ra những giá trị lớn về cả tinh thần lẫn vật chất cho người nuôi chim cút ấp Long Bình.
Như Quỳnh