Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 20/6/2018, 16:00 (GMT+7)

Hai loại gạo đặc sản của núi rừng Mường Lò

Séng Cù và Hương Chiêm là hai giống lúa đặc sản tạo nên danh tiếng gạo cho Mường Lò.

Hiện, hai giống lúa chiếm khoảng 45% diện tích canh tác trên cánh đồng Mường Lò, đạt sản lượng khoảng 10.000 tấn một năm.

Vỏ hạt thóc Séng Cù dầy, đầu hạt thường có râu. Gạo Séng Cù trắng ngà, thon, dài trung bình 6,7-7 mm, chắc hạt, cứng hơn các loại tẻ thường. Nấu lên cơm xốp dẻo, để qua đêm vẫn mềm, mùi thơm đậm.

Gạo Hương Chiêm thon dài, màu gạo cả trắng và trắng ngà, hạt ngắn hơn gạo Séng Cù. Cơm Hương Chiêm thơm từ nhẹ đến đậm chứ không nồng nàn như các loại gạo thơm đồng bằng.

Ngày 22/1, cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định số 264/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00061 cho sản phẩm gạo “Mường Lò”. Mười ba xã, phường thuộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn là khu vực địa lý gắn với chỉ dẫn. 

polyad

Séng Cù cùng với Hương Chiêm là hai giống gạo đặc sản của Mường Lò. Ảnh: Bizmedia

Mường Lò trồng tập trung lúa gạo trên cánh đồng khoảng 3.000 ha, huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ. Điều kiện địa lý thuận lợi nơi đây là yếu tố quan trọng giúp cây lúa phát triển tốt.

Bao bọc xung quanh thung lũng lòng chảo là dãy Hoàng Liên Sơn, độ cao dưới mực nước biển 250m. Ngày nắng ít, đêm nhiều sương, nhiệt độ trung bình năm chỉ 23 độ C, chênh lệch ngày đêm lớn, giúp cây tích lũy protein, thúc đẩy cho quá trình sinh trưởng của lúa. Ngoài ra, sự khác biệt này cũng khiến cây lúa tích trữ chất phenol thơm trong hạt thóc, giúp cho các loại gạo nơi đây có hương thơm đậm.

Bên cạnh đó, góp phần làm nên hương vị thơm ngon của gạo Mường Lò là kinh nghiệm canh tác trên ruộng nước của người Thái Đen. Đó là hệ thống mương, phai, lái, lin và cọn nước, dẫn thủy nhập điền đạt đến trình độ cao của nghề canh tác lúa. Các phương pháp này vừa hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường và nguồn nước từ nhiều đời nay.

polyad

Hạt thóc Séng Cù dài, cứng hơn gạo tẻ thường. Ảnh: Bizmedia

Phai là loại đập bằng đất, gỗ, nứa, rơm… để ngăn suối, làm dâng mực nước chảy vào mương dẫn vào ruộng. Mương là đường khai nước từ miệng phai dẫn đến ruộng. Bằng các dụng cụ thủ công, người Thái dẫn nước vào những con mương vắt qua triền núi, có thể dài hàng km dẫn về ruộng.

Lái là dạng phai phụ, đắp trong các con mương để dẫn nước vào ruộng lẻ hoặc tạo dòng. Còn lin là máng nước dẫn vào ruộng, làm bằng tre, luồng, thân cây cọ. Lin hứng nước từ guồng cọn đưa tới ruộng. Khi không đào mương được vì chướng ngại vật, lin được bắc trên hệ thống giá đỡ chắc chắn, thay cho mương dẫn nước về ruộng. Người ta cắm hai cọc thân cây hình chữ X rồi đặt lin lên điểm giao.

Ngoài ra, người Thái còn biết dùng các kỹ thuật như thả bèo hoa dâu giữ ấm cho lúa vào mùa đông, đốt rơm để lấy tro bón ruộng, ủ và làm phân xanh thay vì dùng phân hóa học để bảo vệ nguồn nước.

Gạo Mường Lò đến nay được nhiều người ưa chuộng vì hương vị núi rừng đặc trưng.

Mễ Lan

Chia sẻ bài viết qua email