Đồi chè xanh được 'uống' nước suối tự nhiên
Nguồn nước tưới cho cây chè Làng Bát là nước suối tự nhiên từ khe núi, được trữ lại và chảy qua các đập nhân tạo.
Hàm Yên là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang. Với nhiệt độ trung bình năm là 18-25 độ C, nơi đây có điều kiện thuận lợi để cây chè sinh trưởng. Người Hàm Yên bắt đầu trồng chè cách đây hơn 10 năm. Đến nay, toàn huyện có khoảng 2.000ha chè, trong đó, 1.900ha đang cho thu hoạch.
Một trong những loại chè nổi tiếng của Hàm Yên là chè Làng Bát, được trồng tại thôn Làng Bát, xã Tân Thành. Từ năm 2013, với định hướng đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực phát triển kinh tế địa phương, hơn 16ha chè nơi đây đã được chuyển đổi sang trồng theo mô hình VietGAP.
|
Nông dân Làng Bát trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Bizmedia. |
Trước khi trồng chè, người dân đào xới lại toàn bộ đất, làm ải, tạo luống và bón lót bằng phân chuồng hoai mục theo đúng kỹ thuật. Nguồn nước tưới cho cây là nước suối tự nhiên, chảy ra từ khe núi, được trữ lại và chảy qua các đập nhân tạo trước khi về tưới tắm vườn chè. Ngoài ra, người dân còn được Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cùng Hội khuyến nông cơ sở hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng tiêu chuẩn.
Cây chè trồng tại Làng Bát thuộc giống LDP1, được Viện nghiên cứu chè chọn tạo từ giống chè ngon nổi tiếng Đại Bạch Trà và chè PH1 cho năng suất cao (18-20 tấn trên một ha mỗi năm). Tiếp thu phẩm chất của giống bố mẹ, chè LDP1 không chỉ cho năng suất tốt mà còn giữ nguyên các đặc tính chất lượng thơm ngon.
Vào mùa vụ, quy trình hái chè được bắt đầu từ sáng sớm tới gần trưa. Thời điểm hái lý tưởng là khi lá chè còn phủ sương. Búp chè hái đạt chuẩn là loại có 3 lá (hay 1 tôm 2 lá non), đồng thời phải hái búp non, không bị dập nát. Chè hái xong được mang về rải đều trên các nong tre, để héo khoảng 3-4 tiếng nhằm tránh hỏng, dập lá khi chế biến. Sau đó, chè được đưa vào luộc nhanh trong 3-4 phút.
Tùy vào lượng chè mà lửa được giữ to và đều, nhiệt ổn định. Chè sau khi luộc có màu xanh tái, được để nguội rồi chuyển sang sấy. Thời gian sao và chế biến chè thường diễn ra ngay trong ngày để giữ nguyên độ tươi và vị ngon của búp.
|
Chè sau khi thu hái được chế biến ngay trong ngày. Ảnh: Bizmedia. |
Sau khi sấy, chè được để nguội khoảng 2-3 phút rồi chuyển sang quy trình vò. Lượng chè cho vào máy vò cần phù hợp, để búp chè không bị nát. Chè vò xong có độ săn, mềm, dẻo, ươn ướt và còn nguyên mùi thơm. Tiếp đó, người làm chè thực hiện khâu sấy khô trong khoảng 20 phút. Lò sấy sử dụng than củi với mức nhiệt vừa đủ để búp chè khô dần, se bớt nhựa. Sau đó, chè tiếp tục được làm khô lần nữa để bay hết hơi nước.
Công đoạn cuối cùng là lên hương trong lò. Trong quá trình chế biến chè, người dân chỉ sử dụng than củi đốt tạo nhiệt, hoàn toàn không thêm bất cứ phụ gia hay chất xúc tác, hóa chất bảo quản nào. Cuối cùng, chè thành phẩm được đóng gói và hút chân không để bảo quản và vận chuyển dễ dàng.
Nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP từ quy trình trồng tới chế biến, đóng túi, sản phẩm chè Làng Bát đã được nâng cao giá trị và dần khẳng định vị thế trên thị trường. Vị chát nhẹ, ngọt hậu và hương thơm nồng nàn cùng màu xanh đặc trưng của nước chè Làng Bát đã theo chân thương lái đi khắp từ Bắc vào Nam.
Tuấn Anh