Thứ hai, 13/1/2025
Thứ sáu, 11/11/2016, 08:00 (GMT+7)

Cách chọn địa chỉ cung cấp hải sản sạch

Người tiêu dùng cần lưu ý nguồn gốc, chất lượng, quy trình chế biến hải sản cũng như chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan chức năng cấp.

Hải sản là một trong những món ăn ngon, bổ dưỡng với nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng đều lúng túng trong việc xác định một địa chỉ cung cấp hải sản uy tín, an toàn.

Để lựa chọn địa chỉ cung cấp hải sản sạch, người tiêu dùng cần lưu ý nguồn gốc của hải sản phải rõ ràng, minh bạch, có địa chỉ cụ thể; chất lượng tươi ngon. Bên cạnh đó, cách thức bảo quản đảm bảo không dùng hóa chất, kháng sinh, vận chuyển nhẹ nhàng, có xe chuyên dụng. Nhân viên vận chuyển, sơ chế cần mang đồ bảo hộ lao động. Hải sản bán ra thị trường cần có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan chức năng cấp.

Ngoài ra, việc sơ chế hải sản cần đúng quy trình. Trước tiên là khâu xử lý, làm sạch, loại bỏ các bộ phận nội tạng, đầu. Tiếp đó, các loại hải sản phải rửa 2 lần bằng dung dịch nước muối pha loãng, sau đó rửa lại bằng nước sạch, đảm bảo không còn máu hay các tạp chất khác. Cuối cùng là khâu cắt định hình theo định lượng rồi tẩm ướp, bán thành phẩm.

Những con thuyền đánh bắt hải sản đã cập bến cảng cá Ninh Cơ ngay từ sáng sớm. Ảnh: bizmedia

Những con thuyền đánh bắt hải sản đã cập bến cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu, Nam Định) ngay từ sáng sớm. Ảnh: bizmedia.

Anh Đỗ Văn Thành ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định là chủ cơ sở chuyên thu mua, chế biến hải sản có tiếng tại địa phương. Theo anh, nguyên tắc thu mua là chỉ nhận hải sản từ những tàu khai thác có giấy chứng nhận hải sản khai thác an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam Định cấp. Các sản phẩm phải còn tươi sống, đảm bảo không sử dụng kháng sinh, hóa chất bảo quản trong quá trình vận chuyển từ lúc đánh bắt vào đất liền.

Trong quá trình bốc dỡ sản phẩm về cơ sở, nhân viên vận chuyển tuyệt đối không được làm nhiễm bẩn hải sản. Mọi thao tác đều phải nhẹ nhàng, nhanh chóng để hải sản không bị dập nát, không để hải sản tiếp xúc trực tiếp với sàn, nền.

Hải sản thu mua về sẽ được phân loại. Đối với những loại có vỏ, giữ sống được ở điều kiện nhiệt độ thấp như tôm, cua, hàu… sẽ được thả trong bể chứa nước sạch để loại bỏ các tạp chất như rong, rêu, cát. Sau đó, chúng được đưa vào hệ thống làm lạnh đột ngột để bắt đầu chế độ "ngủ đông".

Những loại hải sản như cá, mực… sẽ được lọc bỏ nội tạng, đầu, sau đó rửa sạch bằng hai lần nước muỗi loãng và rửa lại bằng nước sạch. Yêu cầu lần rửa cuối sản phẩm không còn dính máu, tạp chất khác. Tiếp theo, hải sản sẽ được tiến hành cắt định hình theo định lượng, tẩm ướp gia vị (nếu có) và đóng gói trong bao bì chuyên dụng của thực phẩm.

Cá sau khi được làm sạch sẽ được cho vào thùng xốp ướp đá. Ảnh: bizmedia

Cá sau khi được làm sạch sẽ được cho vào thùng xốp ướp đá. Ảnh: bizmedia.

Sau khi tiến hành xong các công đoạn làm sạch, sơ chế, hải sản được bảo quản lạnh trong thùng đông lạnh hoặc tối thiểu là hộp xốp. Tất cả thùng, hộp đều phải được rửa sạch, để ráo nước trước và sau khi sử dụng. Hải sản sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng để cung ứng ra thị trường.

Trong quá trình làm việc, toàn bộ nhân viên của xưởng từ khâu lựa chọn, vận chuyển, bốc dỡ, đến khâu sơ chế, đóng gói… đều phải mang đồ bảo hộ lao động như mũ, khẩu trang y tế, găng tay, ủng để đảm bảo an toàn vệ sinh khi tiếp xúc với hải sản.

Với những quy trình nghiêm ngặt, cơ sở của anh Thành được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam Định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.

Huệ Chi

Chia sẻ bài viết qua email