Bí quyết gói bánh chưng ngon của người Sóc Sơn
Chọn nguyên liệu mới và ngon, sơ chế kỹ, ướp thêm nước riềng giúp bánh chưng xanh, đẹp mắt và bảo quản được lâu.
Trong mâm cỗ Tết, chiếc bánh chưng xanh vuông thành sắc cạnh tượng trưng cho trời. Chiếc bánh gói gọn bên trong những sản vật tinh túy của nền nông nghiệp để thành kính dâng lên cúng tổ tiên. |
Ở thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, Sóc Sơn, nhiều gia đình vẫn trồng vài bụi lá dong nếp để gói bánh chưng. Chị Trần Ngọc Hân đang lựa những lá dong thon dài, mỏng mướt, chứ không dày mình như lá dong tẻ. |
Thôn Miếu Thờ vẫn còn một chiếc giếng cổ, nước trong sạch. Mỗi dịp Tết đến, dân làng lại mang lá dong ra giếng rửa để nhắc nhở các thế hệ sau về truyền thống quê hương. |
Từng chiếc lá được rửa cầu kỳ, cọ kỹ 2 mặt, sau đó lau khô. Theo chị Hân, lá sạch, bánh chưng mới xanh ngon và để được lâu. |
Đỗ xanh hạt tiêu nhà trồng hoặc mua từ các cơ sở có uy tín trong xã, hạt nhỏ nhưng thơm. Đỗ ngâm nở, đãi cho sạch vỏ rồi để ráo. |
Gạo nếp Tú Lệ gói bánh dẻo dền, trộn với nước cốt lá riềng trước khi nấu. Đây là bí quyết để bánh xanh và thơm hơn. |
Người thôn Miếu Thờ gói bánh chưng bằng đậu xanh chưa nấu chín. Cứ một lớp gạo, một lớp đậu và thịt ba chỉ tươi, ướp thêm muối và tiêu vừa vặn. |
Phần nhân đặt cân đối, gói bánh khéo léo sao cho vuông vắn hoặc tròn trịa. Nhận bọc kín trong lá sẽ giúp bánh lâu hỏng hơn. Các hộ thôn Miếu Thờ vẫn giữ thói quen dùng lạt ràng buộc chặt để bánh ngon, không nhão. |
Bánh chưng sau đó được xếp vào nồi lớn bằng kim loại, đun trên bếp củi suốt 12 tiếng. |
Bánh chưng luộc xong, lớp ngoài vỏ bánh xanh như màu lá, phảng phất mùi thơm của của gạo, riềng, dong. Nhân bánh dẻo thơm, gạo quyện lấy đậu và thịt mỡ. |
Bánh luộc xong được rửa qua với nước sạch, để nơi khô thoáng, ăn tới đâu cắt tới đó, nên có thể để được từ 7 ngày đến 2 tuần mà không mốc hỏng. |
Thủy Hà