Gần đây, tôi thấy có nhiều ý kiến bình luận về ý thức lái xe, văn hóa giao thông, rồi có người lại phàn nàn vì những bất cập khi xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam. Bản thân tôi là lái mới, chạy xe được hơn nửa năm nay ở khu vực miền Nam, miền Tây. Và tôi không thấy vấn đề gì lớn hay nghiệm trọng như các ý kiến trên mạng.
Hồi năm rồi khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo mở cửa, mọi người nô nức đi chơi rồi có tai nạn xảy ra. Khi đó, người ta đổ tại vì đường dài mà không có trạm dừng nghỉ, tài xế mệt nên dễ gây ra va chạm. Tôi không đồng tình với lập luận này. Trên cao tốc có đường ra, và tôi thấy có nhiều đường ra, nếu mệt thì các tài xế có thể ra ngoài rồi tìm quán cà phê võng, nằm ngủ một giấc cho tỉnh táo cũng được.
Năm qua, tôi cũng có đi ra Nha Trang chơi. Trong một lượt đi, tôi dừng lại 2-3 lần. Trong đó có một lần tôi ghé khách sạn để ăn uống và ngủ trưa. Tôi không chạy sống chết để được cái mốc 5 giờ chạy từ Sài Gòn ra tới Nha Trang như nhiều người hay khoe trên mạng.
Ngay cả nhà xe hồi xưa tôi hay đi Nha Trang cũng dừng xe nghỉ ngơi trước khi vào cao tốc, khi đi được một nửa đường, họ cũng ra ngoài để nghỉ ngơi rồi mới quay lại vào cao tốc chứ không cố đi một mạch. Nếu không lên được kế hoạch tốt cho bản thân thì bạn cũng không nên bắt nhà nước lo giùm mình, bới đó là suy nghĩ ích kỷ.
Gần đây, nhiều người lại tranh cãi về thói xấu chạy chậm bám làn trái, hay điền vào chỗ trống trên cao tốc, lên cao tốc nhưng chạy "rùa bò" 60 km/h. Bản thân tôi mỗi khi muốn chuyển làn đều bật xi nhan báo hiệu, khoảng cách đủ an toàn, vận tốc đủ đảm bảo mới đánh lái. Nếu làn kế bên có xe thì tôi cũng phải chờ họ giảm vận tốc, tạo khoảng trống đủ rộng thì tôi mới chuyển làn. Nếu họ không nhường thì tôi để xi nhan đến khi có xe nhường mới chuyển làn chứ không cố chấp làm liều.
>> Tôi sẵn sàng nhường đường dù đang chạy tốc độ tối đa trên cao tốc
Thấy xe chạy chậm phía trước, tôi chuyển làn rồi chạy vượt lên thôi. Còn nếu không đủ điều kiện làm vậy thì tôi bình tĩnh chờ, không vội vượt bằng mọi giá. Ở đoạn cao tốc 90 km/h, nếu chạy liên tục 100 km/h thì mất một tiếng đồng hồ, nếu bị chạy 60 km/h thì cũng chỉ 1,5 tiếng là xong, nên đâu có gì phải vội.
Lên cao tốc, tôi cũng không dùng còi nhiều vì hiểu ai cũng muốn đi nhanh, nếu không nhanh được thì họ mới chạy chậm chứ chẳng ai cố tình làm vậy cả. Xe tải nặng chạy nhanh rất nguy hiểm nên họ chạy chậm cũng là điều có thể thông cảm được. Tôi cũng chẳng thấy ai chạy chậm mà cố tình không nhường đường cho mình cả. Với người không thích, không quen chạy nhanh, tôi sẵn sàng chờ một chút để họ giảm tốc độ và tạo khoảng trống cho mình vượt lên. Có thể họ chưa thấy tôi, hoặc lái mới nên chưa biết xử lý thế nào trong trường hợp đó, nên tôi cũng không việc gì phải hối thúc.
Lần duy nhất tôi dùng còi trên cao tốc là khi thấy một chiếc xe chạy giữa hai làn đường. Khi đó, tôi bóp còi để thông báo cho họ đi về một làn thôi. Lần đầu tiên tôi chạy cao tốc cũng chạy giữa hai làn như vậy vì chưa quen, nên có thể họ cũng thế. Tôi cũng là người hay vượt xe khác do trên cao tốc thường chạy trên 90 km/h, nhưng tôi chỉ vượt khi đủ vận tốc và khoảng cách an toàn, bởi phía sau tôi là vợ và con, không thể liều được.
Khi chạy những buổi xe đông, vận tốc có khi chỉ 50-60 km/h nhưng tôi chẳng vượt ai, vì có vượt thì sau đó cũng không nhanh hơn được là bao, nên cứ chạy đều đều như vậy còn tốt hơn. Tôi cho rằng, nếu mọi người bớt đi một chút cảm giác hơn thua, kiên nhẫn hơn khi lái xe, thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Lại có nhiều người nói về ý thức tham gia giao thông của người Việt kém, cần làm khó hơn trong việc thi, cấp bằng lái xe. Bản thân tôi thấy quy trình đào tạo và người dạy lái xe ở ta đúng là có nhiều vấn đề. Người dạy lái xe cho tôi chỉ nói về cách sử dụng xe, cách nhìn dấu trong sa hình để thi cho đậu. Người đó không nói tôi cần phải xử lý thế nào khi chạy đường đông, giảm tốc độ như thế nào là đúng, cần làm gì khi thấy xe ở bên kia đường muốn quay đầu... Cách phản ứng của họ khi gặp các trường hợp đó là với tay chụp vô lăng, và chửi học viên như tát nước vào mặt.
Khi tôi hỏi những người mình quen về chuyện học lái xe thì họ cũng đều gặp tình trạng tương tự, rất ít người dạy lái xe có đủ cái tâm để hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ. Dù có chạy DAT 810 km, nhưng việc ngồi lên xe, và cố đạp liền tù tì cũng không có giá trị gì nhiều. Những cách xử lý mà tôi biết được là từ việc học thêm bổ túc tay lái, và từ mấy đứa bạn thân có kinh nghiệm ngồi xe để chỉ trực tiếp. Nên nếu có thể thì điều đầu tiên cần thay đổi chính là thái độ của người dạy lái xe.
Hiện tại, chúng ta có nhiều yêu cầu hơn trong điều kiện để xét thi bằng lái như học lái xe tối thiểu 40 giờ, hay chạy DAT 810 km. Nhưng bản thân tôi thấy, dù càng lúc việc thi bằng lái càng khó, nhưng nó vẫn không mang kết quả tích cực giúp người lái xe có đủ kỹ năng xử lý trên đường. Vì chạy DAT không chạy trong khu đông dân cư, và cách chạy trên cao tốc cũng khác so với chạy quốc lộ. Khi chạy tỉnh lộ đường hẹp, xe ít lại càng khác.
Thế nên, thay vì tập trung vào con số 810 km, việc cần làm hơn là cho người học chạy trên nhiều loại đường, để họ biết cách xử lý trong các tình huống cụ thể có thể xảy ra trong thực tế. Có như vậy, kỹ năng lái xe và ý thức giao thông của người Việt mới dần được cải thiện.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.