"Tôi có một anh bạn người nước ngoài thường xuyên sang Việt Nam làm việc cho các dự án. Do thời gian tiếp xúc nhiều nên anh khá hiểu về cuộc sống của người Việt. Lần gần nhất, tôi đón anh ở sân bay Nội Bài rồi chạy xe về Hải Phòng. Cao tốc 5B to và rộng nhưng chúng tôi không thể chạy được tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h. Đơn giản là vì quá nhiều 'xe rùa bò' đi dàn hàng ngang cả hai làn trái (nơi cho phép chạy 80-120 km/h).
Chúng tôi bật xi nhan xin nhường, đá đèn, thậm chí dùng tới phương án thiếu văn minh nhất là bấm còi nhưng cũng không thể vượt lên được".
Đó là chia sẻ của độc giả Victorbuidt xung quanh thực trạng "xe rùa bò" trên cao tốc. Tình trạng giữ làn trái và chạy với tốc độ rất chậm gây cản trở cho những người đi sau diễn ra tương đối phổ biến trên cao tốc Việt. Điều đó khiến nhiều tài xế muốn đi nhanh buộc phải chạy kiểu luồn lách, vượt phải, gây nguy cơ tai nạn giao thông. Ôm làn, giữ chân nhau chạy quá chậm cũng làm tắc nghẽn giao thông, gây thiệt hại về kinh tế và chi phí vận hành xe, giảm hiệu quả của đường cao tốc.
Cùng chung nỗi bức xúc với tình trạng "xe rùa bò" tràn lan trên cao tốc Việt, bạn đọc Tran Le Thuy Nga bình luận: "Từ ngày cái cao tốc đầu tiên thành hình ở nước ta cho đến ngày nay, việc phân làn, quy định loại xe chạy làn nào cũng chưa thể được giải quyết một cách dứt điểm. Trong khi đó, văn hóa kênh kiệu và bất chấp (hay nói cách khác là ý thức không giống ai) của một bộ phận không nhỏ tài xế Việt vẫn tồn tại khiến giao thông còn nhiều hỗn loạn.
Có lần, tôi ngồi cùng xe của một tài xế. Người này đi rất chậm trên cao tốc nhưng bám làn ngoài cùng bên trái, đến mức tôi thấy sốt ruột và ái ngại, bèn nhắc nhở để anh ta đi nhanh lên một chút. Thế nhưng, đáp lại tôi, người này thẳng thừng: 'Đi đúng luật thì thôi chứ. Luật cho chạy từ 60-120 km/h, tôi đi 60 km/h có vi phạm đâu'. Tôi chỉ thấy rằng đó là một suy nghĩ quá ích kỷ.
Lần khác, chính tôi cầm lái trên cao tốc. Dù cả hàng xe xếp rồng rắn phía sau, vậy mà một tài xế có tuổi vẫn nhởn nhơ đi trước với tốc độ 60-65 km/h, dù trước mặt ông ta không có xe nào. Bên phải xe ông là chiếc container khổng lồ đi cùng tốc độ song song. Vậy là cả hàng xe phải nối đuôi nhau vì không thể vượt. Trên cao tốc Long Thành, tôi thường xuyên thấy tình trạng tương tự, vô cùng bức xúc".
>> Ám ảnh xe khách 'rùa bò' 70 phút trên quãng đường 2 km
"Một trong những quy tắc hay quy ước nằm lòng với tài xế là khi chạy chậm trên cao tốc thì nên chạy làn ngoài cùng bên phải. Thế nhưng, nhiều tài xế ở ta lại luôn nghĩ: 'Tôi cứ đi chậm bên làn trái, ai muốn vượt thì mời nhích sang làn phải mà vượt'. Đó là một suy nghĩ rất chủ quan, thể hiện tâm lý không muốn nhường nhịn. Họ kiên quyết không nhường bởi chúng ta chưa có hình thức xử lý nghiêm với nạn 'xe rùa bò' trên cao tốc, làm cho rất nhiều người ức chế khi di chuyển trên cao tốc", độc giả Quê Hà Nội nói thêm.
Nhìn thẳng vào những bất cập trong quy định của pháp luật khiến tình trạng lái chậm chiếm làn trái diễn ra thường xuyên, bạn đọc Luongtd phân tích: "Chưa cần so sánh với những nước văn minh, tiên tiến, chỉ cần đối chiếu với giao thông của Lào, Campuchia... đã thấy văn hóa giao thông của họ (ý thức nhường đường, ít bấm còi, chấp hành luật giao thông... hơn hẳn người Việt rồi. Nguyên nhân của câu chuyện này cũng một phần do quy định của Luật Giao thông ở ta còn thiếu rõ ràng, nhất quán, gây khó cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ví dụ:
- Luật Giáo thông đường bộ quy định xe chỉ được vượt bên trái (trừ một số trường hợp được vượt bên phải được quy định rõ trong Luật).
- Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông quy định không bị xử phạt trong trường hợp 'đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái'. Điều này vô tình tạo điều kiện cho tài xế được chạy chậm ở làn trái.
Vì vậy, để điều chỉnh hành vi tham gia giao thông trước hết phải:
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông, đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất, không chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn.
Thứ hai, trên đường cao tốc cần quy định và gắn biển báo quy định 'làn trái chỉ để vượt'. Lào mới chỉ có một đường cao tốc nhưng đã có quy định này rồi. Chúng ta cũng nên học tập".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.